baner-open-tour
open tour

CÁ BỐNG SÔNG TRÀ

Lượt xem: 1
Có những món ăn đơn giản đến mức không thể nào đơn giản hơn được nữa, ấy vậy mà nó trở thành đặc sản của một địa phương. Dù đi đâu, xa quê bao lâu người ta vẫn nhớ đến. Cá bống sông Trà (Quảng Ngãi) là trường hợp như thế.

Dòng sông Trà bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, đổ ra biển với chiều dài trên dưới 39km, cá tôm không nhiều về chủng loại cũng như số lượng nhưng con nào ăn cũng ngon, đặc biệt là cá bống. Cá bống ngon nhất vào mùa hè, ngư dân ở đây thường bắt cá bống bằng ống trống (ống tre dài khoảng 1m, trống hai đầu, dùng một cọc nhọn cắm xuống nước). Chiều hôm trước người ta đem ống cắm dưới sông, sáng sớm hôm sau ra sông lặn xuống "túm" hai đầu xổ ra bắt gọn những chú cá trong ống. Buổi sáng, cá đem về còn giãy đành đạch, tươi rói; bỏ cá vào niêu đất cho gia vị ớt, hành, tiêu chế nước xăm xắp chụm lửa riu riu hơn tiếng đồng hồ nhắc xuống, con cá vừa dai vừa thơm vừa mằn mặn ăn với cơm trắng. Nếu cá đã kho hai ba "lửa" thì ăn rất "đã" với vị cay cay mặn mặn của gia vị, thơm thơm dai dai của thịt cá, ăn mãi mà không chán.

 

Người ta thường bảo: "Cá bống kho tiêu, cá thiều nấu ngọt". Cá bống kho tiêu là món ăn đặc biệt của vùng sông nước Trà Giang. Ngon nhất phải nói đến loại cá bống cát ở sông Trà gọi là "Trà Giang sa ngư". Cá bống cát ở sông Trà có nhiều loại, từ loại cá bống cát nhỏ con, màu vàng nhạt, cỡ bằng ngón tay út cho đến loại cá bống vồ, to con, và loại cá bống mú có thân hình tím sẫm như loại cá mú biển (còn gọi là cá bống than) thịt nhão, không ngon bằng thịt cá bống cát.

 
 

Muốn bắt cá bống, người ta dùng những ống tre cưa từng đoạn dài khoảng năm tấc tây, có chừa đốt ở giữa đoạn, để trống hai đầu ống cho cá chui vào ở. Mùa thả ống bắt đầu vào khoảng tháng tám âm lịch khi các guồng xe nước đã dọn xong để tránh mùa mưa lũ - cũng là lúc cá bống bắt đầu mùa chửa, đẻ. Nước sông Trà lúc bấy giờ cạn, chỉ ngập đến lưng quần. Chỗ sinh đẻ thích hợp cho cá bống là đoạn nước cạn đứng nước và trong veo vẻo. Người ta chọn lạch sông vừa tầm ống, đem ống ra cắm từng hàng ngang nhau, thẳng góc với dòng nước và cách đáy sông khoảng ba tấc tây. ống này cách ống kia chừng 2m. Cứ sau 24 giờ, người ta đi bắt cá một lần gọi là đi trút ống. Người đi trút ống mang theo sau lưng chiếc "vịt" đan bằng nan tre để đựng cá. Ðể bắt cá cho chắc ăn, đưa hai tay nhè nhẹ bịt lấy hai đầu ống rồi nâng lên khỏi mặt nước và trút nhanh vào chiếc "vịt". Xong, lại cắm ống trở về vị trí cũ. Những cử động của người đi trút ống hết sức nhẹ nhàng, khéo tay để tránh gây tiếng động khiến cho cá nằm trong các ống khác chạy trốn mất. Người ta còn dùng cả lưới ngao để bắt cá. Ðồ kéo ngao gồm có một tấm lưới đan bằng gai hay tơ, dài độ 7m, cao 1m, hai đầu có sào chắn lưới. Một đầu sào vót nhọn để cắm xuống sông khi chăng lưới đón cá. Mỗi dây ngao làm bằng vỏ ngao biển kết lại thành dây dài từ 30 đến 40 m.

Cá bống đem về nhà đánh vảy, chặt hết vây và lấy hết ruột. Xong đem cá bỏ vào chiếc rổ tre có trộn ít muối hột, chà đi xát lại nhiều lần cho sạch hết vảy. Ðoạn, rửa cá thật sạch mới đem bỏ vào chiếc tô lớn và ướp nước mắm ngon để độ mươi phút. Bây giờ mới đổ cá vào chiếc "trách đất" đã tráng một lớp mỡ hay dầu ăn đã khử rồi đổ thêm nước mắm ngon vào trách sao cho vừa xăm xắp và đun lửa riu riu cho đến lúc chín. Cuối cùng, mới dùng đũa tre trộn cá cho thật đều, nhớ trộn cho khéo tay để cá khỏi bị nát, rồi rắc tiêu bột và nước màu lên mặt. Ðậy nắp trách cho thật kín để um hơi cho nước màu và tiêu ngấm dần vào cá. Ðộ chừng năm phút sau mới đưa trách cá xuống lò nhưng nắp vẫn đậy kỹ cho đến bữa cơm mới đem ra dùng. Lúc mở nắp trách, mùi vị thơm nứt mũi, dù bụng ta có no cũng khó mà chối từ.

 

Ẩm thực khác tại: Quảng Ngãi