Đi du lịch Huế muốn thưởng thức món bún giò heo ngon thì các bạn phải thưởng thức từ buổi sáng sớm đến khoảng 7h30 mới ngon. Sau đó nước dùng để lâu trên lửa, chân giò ninh nhiều sẽ bị “ê” mất hương vị.
Bún giò muốn hấp dẫn thực khách chính là nhờ chất nước dùng đặc biệt thơm ngon. Để có được điều đó, các hàng bán bún thường thức dậy từ 4h sáng để luộc (nấu với lửa lớn) xương heo, bò. Sau đó bỏ nước luộc đi, cho xương vào hầm lại, vớt bỏ bọt thải để cho nước trong, ngọt mà thanh. Nồi nước dùng được nêm các loại gia vị mắm ruốc, sả, ớt, đường, nước mắm... để có nước lèo đậm đà và vừa miệng.
Khi mua giò làm bún nên chọn chân trước sẽ nhiều nạc hơn. Chân giò hơ qua trên lửa cho da vàng đều và dậy mùi thơm, hơ luôn phần móng để dễ đập vỡ phần vỏ sừng bên ngoài. Khâu sơ chế chân giò rất quan trọng, vì nó sẽ làm cho phần da thịt của giò săn lại. Sau đó, rửa giò sạch và chặt miếng vừa ăn. Giò heo nhiều mỡ nhưng lại không ngậy nhờ đã hơ trên lửa, phần da và gân săn lại, dai.
Ngoài nước dùng và giò, nguyên liệu bún tươi của món ăn cũng rất quan trọng. Không phải cọng bún to như món bún bò người Sài Gòn hay ăn. Bún giò Huế có sợi bún nhỏ, màu trắng ngà. Bún tươi ở đây ngon nhất là bún làng Vân Cù được bán nhiều trong chợ Đông Ba. Hình thức sợi bún Vân Cù trắng ngà, không dai, mùi vị hơi chua (gạo nguyên chất). Bún tươi được chần sơ qua nước sôi, cho vào bát, bên trên là một miếng giò, chan ngập nước dùng, rắc lên ít cọng rau hành và bê ra cho thực khách.
Ăn bún giò không thể thiếu đĩa rau sống với các loại như húng, cải non, cọng rau muống chẻ sợi, bắp chuối xắt ghém... Bún giò phải ăn thật nóng và cay mới ngon. Nhìn tô bún bốc khói thơm tho, những sợi bún trắng trong, miếng móng giò được ninh mềm nhừ, thật tuyệt. Nhiều người sành ăn bún giò nhận xét rằng hiện nay ngon nhất là bún giò ở miền duyên hải của Thừa Thiên - Huế. Nơi ấy thức ăn nuôi heo là rau lang, cám, chuối cây bằm nhỏ, hèm rượu... nên chân giò ngon và ít mỡ.