baner-open-tour
open tour

Đà Nẵng xây thương hiệu như Singapore: Thách thức lớn?

Đà Nẵng xây dựng và phát triển thương hiệu theo mô hình của Singapore là đúng nhưng để thành công không hề dễ dàng

PGS.TS Bùi Quang Bình, Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) trao đổi với Đất Việt xung quanh đề xuất của một tập đoàn Singapore nhằm hỗ trợ Đà Nẵng xây dựng và phát triển thương hiệu riêng cho mình giống như Singapore.

Nhiều khác biệt

Liên quan đến đề xuất của Tập đoàn CPG (Singapore) về việc muốn hỗ trợ Đà Nẵng xây dựng thương hiệu như Singapore hiện nay, PGS.TS Bùi Quang Bình cho rằng, Đà Nẵng có thể làm được như Singapore nhưng đây thực sự là một thách thức lớn.

Da Nang xay thuong hieu nhu Singapore: Ai chap canh?
Theo PGS.TS Bùi Quang Bình, trước mắt, Đà Nẵng nên tập trung xây dựng thương hiệu du lịch ở tầm khu vực và quốc tế.

Ông lý giải: "Singapore là một thành phố  nhưng cũng là một quốc gia. Họ đã xây dựng thương hiệu quá thành công, nhưng thương hiệu đó đến từ sự thành công của các ngành kinh tế trong đó nhất là dịch vụ.

Đứng ở phương diện một thành phố, Đà Nẵng cũng nên học tập theo mô hình này. Nhưng mô hình của Singapore có đặc thù: họ là một quốc gia độc lập. Như vậy, Singapore có thể quyết định thay đổi các điều kiện, nhất là thể chế một cách dễ dàng cho phù hợp với quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu.

Hiện phía quản lý nhà nước đã tạo điều kiện cho Đà Nẵng phát triển tuy nhiên vẫn có những khó khăn nhất định".

Ông Bình phân tích, dù Đà Nẵng hiện nay và Singapore những năm đầu phát triển có nhiều điểm tương đồng, đều là những thành phố có sự lựa chọn phát triển dịch vụ làm  mục tiêu hàng đầu. Ở thời điểm hiện nay, thương hiệu của Đà Nẵng cũng đã có. Trên bình diện quốc tế, tuy đã được một số tổ chức quốc tế xếp hạng ở một số mặt thì đó cũng chỉ là điểm khởi đầu cho quá trình hình thành một thương hiệu lớn.

Ông dẫn chứng, biển Đà Nẵng đã được tạp chí Forbes nổi tiếng của Mỹ bình chọn là 1 trong 6 bãi biển đẹp nhất, quyến rũ nhất hành tinh bởi có nhiều bãi biển lớn và đẹp nhất là bãi biển cát trắng Mỹ Khê. Tương tự, website uy tín về du lịch TripAdivisor cũng từng công bố danh sách top 10 địa điểm mới thu hút nhất thế giới, trong đó có TP Đà Nẵng. Hay trang web chuyên về giáo dục và tư vấn đầu tư tài chính Investopedia (Mỹ) có bài viết gợi ý rằng Đà Nẵng cùng với Nha Trang, Đà Lạt là nơi đáng để người Mỹ sống khi về hưu vì giá cả rẻ, phong cảnh đẹp...

Trong khi đó, thương hiệu của Singapore là thương hiệu quốc tế và toàn diện. Nó được hình thành, xây dựng và phát triển trong 40 năm qua. Ngày nay Singapore đã trở thành trung tâm dịch vụ quốc tế, từ dịch vụ tài chính, logistics đến dịch vụ y tế, giáo dục.

Xét về tình hình cấu trúc kinh tế của những năm đầu, Đà Nẵng chưa thể sánh được với Singapore. Ngay ở thời điểm 1970, thu nhập bình quân đầu người của Singapore là khoảng hơn 3.000 USD và quy mô nền kinh tế khoảng hơn 10 tỷ USD. Trong khi GDP của Đà Nẵng năm 2014 là 52 ngàn tỷ đồng hay khoảng 2,5 tỷ USD. Đà Nẵng không có sức mạnh tài chính để phát triển thương hiệu toàn diện như Singapore. Cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng đã phát triển nhưng chưa đủ và còn thua xa nhiều thành phố trong khu vực.

Phải có cơ chế đặc biệt

PGS.TS Bùi Quang Bình một lần nữa nhấn mạnh, Đà Nẵng đang có điều kiện để phát triển thương hiệu, chính quyền quyết tâm, người dân thân thiện và việc xây dựng theo mô hình của Singapore là một hướng đi đúng nhưng muốn vươn lên tầm quốc  tế phải có cơ chế đặc biệt cho Đà Nẵng và dù vậy, điều đó cũng không đơn giản.

"Có quá nhiều khó khăn, cả chủ quan lẫn khách quan, từ cơ chế chính sách đến nội lực của Đà Nẵng. Đà Nẵng từng đặt vấn đề phát triển ngành logistics và người Mỹ cũng từng chọn Đà Nẵng là trung tâm logistics cho cả miền Trung. Nhưng hiện nay Đà Nẵng muốn làm không hề đơn giản. Muốn làm dịch vụ gì cũng phải có nguồn nhân lực có chất lượng và cơ sở hạ tầng tốt, ví dụ cảng biển phải phát triển đồng bộ với hệ thống hạ tầng đường sắt, đường bộ..., Cùng với đó là câu hỏi nền tảng phát triển kinh tế khu vực đó và địa phương đó có cho phép nơi này thực sự để trở thành một trung tâm phân phối hay không?

Tiềm năng thì Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung có nhiều, nhưng để thành công thì rất khó. Việt Nam có bờ biển dài 3.246 km, có biết bao nhiêu cảng biển, riêng khu kinh tế biển ở miền Trung đã 5 khu. Việt Nam cứ đầu tư rải rác như vậy trong khi Singapore có 1 và chỉ tập trung đầu tư lớn cho một cảng, Trung Quốc cũng chỉ tập trung đầu tư cho Thẩm Quyến...

Tôi cho rằng, trước mắt, Đà Nẵng nên tập trung xây dựng thương hiệu du lịch ở tầm khu vực và quốc tế. Từ đây mở rộng dần sang các sản phẩm khác phù hợp với nguồn lực thành phố có. Tập đoàn nước ngoài gợi ý là một chuyện còn chúng ta nghe và làm được với điều kiện của Việt Nam hay không là chuyện khác. Vấn đề lớn nhất của Việt Nam là hạ tầng mềm, thứ hai là nhân lực đứng ra thực hiện ý tưởng", PGS Bình lưu ý.

Theo baodatviet.vn