Một bàn ăn của người Cơ tu với cá nướng, rau rừng, thịt nướng, cơm lam... cùng các loại rượu đặc trưng.
Các món ăn của dân tộc Cơ tu ở các huyện miền núi tại Đà Nẵng cũng có những thành phần tương tự như người miền xuôi như rau, thịt, cá… Tuy nhiên, tỷ trọng thịt tương đối cao hơn. Bên cạnh đó, những loại rau quả từ núi rừng như măng, cà, mướp, lá sắn, môn… cũng được ưa chuộng.
Một trong những món ăn đặc sản của người Cơ tu là cơm lam. Thông thường, khi chế biến, gạo nếp được cho vào ống tre hoặc ống lồ ô, sau đó đổ nước vào, dùng lá bịt kín đầu ống rồi đốt lửa nướng. Khi ăn cắt khúc và chẻ ống tre. Món cơm này có mùi thơm dịu nhẹ của tre, lại có thể để được lâu ngày mà không sợ ôi thiu.
Cơm lam
Riêng về thịt heo, có đến gần chục cách chế biến. Thông thường, thịt và cá được nướng trực tiếp trên bếp củi hoặc tẩm ướp gia vị rồi cho vào ống tre để nướng như cách làm cơm lam. Với cuộc sống hiện đại ngày nay, đã xuất hiện thêm nhiều loại nồi nấu tiện ích nên cách nấu trong ống tre phần nào ít sử dụng hơn trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, người Cơ tu vẫn lưu giữ cách nấu này và sử dụng trong những dịp lễ, tết.
Mâm cỗ của người Cơ tu
Thịt, cá nướng và cơm lam thường được chấm với loại muối đặc trưng. Đó là muối sống giã nhuyễn với tiêu rừng và ớt. Có khi người chế biến pha thêm lá rang-rây, một loại lá rừng và đậu cô ve vào muối để tạo nên hương vị đặc biệt. Gia vị trong các món ăn còn có thêm sả, ớt, tiêu rừng và đặc biệt là kiến đỏ, mối…
Trong đó, kiến đỏ chân dài có nhiều loại, nhiều hương vị từ chua, ngọt, cho tới mặn. Còn con mối thì được rang lên cho rụng cánh, khi ăn có vị bùi, thơm nhẹ. Đây là hai loại gia vị chấm gây “e dè” cho nhiều người khi thưởng thức, nhưng nếu đã “thấm” hương vị thì sẽ “nghiện”, cứ muốn ăn mãi…
mâm cỗ cúng người cơ tu
Bên cạnh đó, người Cơ tu còn nhiều món ăn khác như gà nướng, lá sắn xào, thịt heo nấu ống tre, bánh sừng trâu, rau dớn xào tỏi… Những món này được bày quanh bàn tròn, kèm theo một ché rượu cần đặc trưng của núi rừng.
Ông Lê Văn Nghĩa, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang), một trong những người “giữ lửa” cho thương hiệu rượu cần Phú Túc cho hay, ngày xưa bà con thường nấu rượu bằng sắn với các loại men truyền thống như rễ cây, vỏ cây khiến chất lượng rượu không được bảo đảm. Bây giờ, rượu được nấu từ gạo nếp loại ngon, trấu sạch và men lá truyền thống, tuyệt đối không được sử dụng hóa chất, sử dụng nguồn nước phải sạch và không có phèn.
Rượu cần được ủ trong những vỏ sành hoặc ché. Rượu ủ càng lâu thì hương vị càng ngon, càng đậm đà. Khi uống, người uống chỉ việc múc nước đổ vào đầy ché, cắm những chiếc cần bằng trúc đã thông mắt rồi hút.
bảo tồn văn hoá ẩm thực cơ tu đà nẵng
Thứ rượu này có vị chua, ngọt, thường được người Cơ tu dùng thết đãi khách hoặc dùng trong dịp lễ, tiệc quan trọng. Sau khi dùng hết, xác rượu có thể ủ tiếp và chưng cất để cho ra thứ rượu như rượu gạo của người miền xuôi, gọi là rượu xiêu.
Được biết, UBND xã Hòa Phú đã phối hợp với Sở Công thương và Sở Y tế thành phố tiến hành hỗ trợ kiểm định chất lượng và đăng ký thương hiệu cho rượu cần Phú Túc. Viện Chất lượng Việt Nam đã công nhận danh hiệu, trao cúp vàng chứng nhận rượu cần Phú Túc là thương hiệu chất lượng cao năm 2016.
Bên cạnh rượu cần, người Cơ tu còn có rượu chiết tự nhiên như tà vạt, tà đin, mây voi…
Theo ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, ẩm thực Cơ tu đã và đang được đưa vào trong các hoạt động du lịch cộng đồng về các xã Hòa Phú, Hòa Bắc như một cách quảng bá sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.
Nguồn: baodanang.vn