baner-open-tour
open tour

BUỒN VUI NGHỀ HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH

Những người ngoài cuộc thì cho rằng nghề hướng dẫn viên du lịch rất “sướng” vì được đi đây đó. Nhưng mấy ai biết được những chuyện “cười ra nước mắt” của những người trong nghề. 
Hướng dẫn viên du lịch là công việc đòi hỏi bạn phải biết nhiều, hiểu hiểu rộng về văn hóa và tâm lý con người, đặc biệt là luôn tự tin trong giao tiếp và biết cách quản lý con người, tổ chức, sắp xếp “nơi ăn chốn ở” cho du khách.

Thế nào là nghề hướng dẫn viên du lịch?

Hướng dẫn viên du lịch là người sử dụng ngôn ngữ đã lựa chọn để giới thiệu và giải thích cho du khách các di sản văn hóa và thiên nhiên của một vùng cụ thể được các cơ quan liên quan công nhận.Hay hiểu theo một cách thương mại hơn, hướng dẫn viên du lịch là người thực hiện các điều khoản được ký kết trong hợp đồng cung ứng dịch vụ lữ hành, giúp doanh nghiệp lữ hành thu được lợi nhuận kinh tế và giúp du khách hiểu biết thêm về điểm đến (điểm tham quan) thông qua chuyến đi.
thue xe da nang - huong dan vien


Du lịch là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, vì thế triển vọng của nghề hướng dẫn viên du lịch vô cùng tiềm năng. Làm hướng dẫn viên du lịch, bạn sẽ được đi đây đó nhiều, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mọi miền đất nước, được tiếp xúc với nhiều nền văn minh trên thế giới, được ở khách sạn “nhiều sao”. Nếu bạn là một hướng dẫn viên giỏi chuyên môn nghiệp vụ, giỏi về ngoại ngữ thì bạn sẽ có nhiều cơ hội để chứng tỏ năng lực của mình.

Đi du lịch với khách mà bỏ quên gia đình

“Đã theo lấy nghề thì phải yêu nghề. Cuộc sống của anh cứ đi chu du nay đây mai đó. Anh vừa dẫn đoàn đi Huế một tuần về tối qua, sáng ngày mai lại dẫn đoàn khác đi Tây Nguyên 5 ngày, sau đó về lại Nha Trang nghỉ vài ngày rồi ra sân bay đón đoàn khách Úc đi Phan Thiết – TP. Hồ Chí Minh… đó là tâm sự của anh Thắng – một hướng dẫn viên du lịch (HDVDL) tiếng Anh có tên tuổi trong làng hướng dẫn tại Nha Trang.
thue xe da nang - huong dan vien 1


Nếu không phải trong nghề, hẳn mọi người sẽ cho rằng nghề HDVDL là “sướng”, và phong lưu. Vì được đi đây đi đó, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mọi miền đất nước, được giao lưu tiếp xúc với nhiều người, với mọi nền văn minh, văn hóa trên thế giới…, vì người ta du lịch phải mất tiền, còn HDV thì được miễn phí, lại còn được hưởng “cái này cái kia” từ sự ưu ái của khách. Tuy nhiên, theo những người trong cuộc thì đó chỉ là “lớp vỏ bọc hào nhoáng”, nghề HDVDL không phải chỉ là một màu hồng.

Anh Hùng – HDVDL tiếng Anh cho biết, ngày lễ, ngày Tết cả gia đình người ta đoàn tụ, sum họp đi chơi, còn mình thì ngược lại, phải dẫn khách đi chơi, bỏ vợ con ở nhà. Đốt điếu thuốc, anh trầm ngâm kể tiếp.

“Đã hơn 7 năm nay, anh chưa được ăn một cái Tết nào ở nhà. Thằng Tý nhà anh đòi anh đưa đi chơi công viên ngày nghỉ lễ như bạn bè cùng lớp mà anh thì cứ khất lần này qua lần khác. Vì anh đâu có được nghỉ vào những ngày đó, còn khi anh được nghỉ thì nó lại phải đi học…”

Gánh trên mình trọng trách nặng nề

Ngoài kiến thức về mặt chuyên môn nghiệp vụ, phải hiểu biết nhiều về địa lý, văn hóa lịch sử của nước mình và nước bạn, nghề này luôn đòi hỏi các HDV phải cập nhật tin tức thời sự hàng ngày. Trên một chặng đường dài khoảng 5 tiếng đồng hồ trên xe, nếu HDV chỉ giới thiệu về các danh lam thắng cảnh trên đường đi qua thì sẽ rất nhàm chán, rất có thể khách trên xe sẽ ngủ chỉ sau hơn một giờ xe lăn bánh. Anh Thắng cho biết thêm, mình vừa thuyết minh vừa phải biết kết hợp pha một chút hài hước, có thể là những câu chuyện tiếu lâm nhẹ nhàng, hay tổ chức ca hát văn nghệ… Như vậy, khách sẽ không cảm thấy mệt mỏi và chuyến hành trình sẽ ý vị hơn.

Đó là đối với khách Việt, còn khách là người nước ngoài, theo anh Hòa (DLKH) – một người đã từng gắn bó hơn 20 năm với nghề HDV, thì rất dễ nhưng lại cực khó đối với các HDV. Bởi họ chưa hề biết một chút gì về đất nước, con người Việt Nam, văn hóa phong tục, tập quán, các lễ hội…, ngoài yêu cầu phải thông thạo về ngoại ngữ, HDV còn phải am hiểu thật sâu các vấn đề trên.
thue xe da nang - huong dan vien 2


Hướng dẫn viên du lịch giống như nhà ngoại giao quảng bá đất nướcKhông chỉ có vậy, theo anh Hòa, HDV phải có một trách nhiệm rất nặng nề đối với đất nước nên hướng dẫn phải thật năng động, phải có lập trường quan điểm tốt, khôn khéo trong lời ăn tiếng nói, nhạy cảm và ứng xử kịp thời với các tình huống. Vì đứng trước du khách, HDV sẽ là một nhà ngoại giao, một đại sứ, một nhà kinh doanh tiếp thị, một người lính biên phòng, một người bạn…, thay mặt đất nước tiếp khách. Thông qua lăng kính của HDV, du khách sẽ hiểu được từng vùng, từng miền của đất nước để từ đó có cái nhìn đẹp và đúng đắn về đất nước và con người Việt Nam.

Tuy nhiên, theo anh Quang – HDV xuyên Việt, hướng dẫn đoàn khách nước ngoài dễ chịu và thoải mái hơn khách Việt. Khi được hỏi tại sao có sự khác biệt như vậy, anh Quang cho biết, người Việt mình chưa thực sự có thói quen thực hiện đúng theo chương trình đã được tổ chức, đặc biệt là chuyện giờ giấc. Có khi cả đoàn phải chờ một người vì còn mắc bận… trang điểm.

Khả năng xử lý tình huống cao

Để thành công được một tour, đòi hỏi ở HDV không chỉ về mặt kiến thức mà còn kinh nghiệm hướng dẫn, cách tổ chức đoàn, khả năng xử lý tình huống… Tuy nhiên, không phải tour nào cũng đạt yêu cầu mỹ mãn vì còn tùy thuộc vào các yếu tố ngoài mong muốn như xe hỏng đột xuất, đường sá, thời tiết… Cạnh đó cũng có không ít các “thượng đế” rất khó tính.

Anh Tuấn – HDV của Công ty VYC kể cho tôi nghe một câu chuyện, đoàn khách Pháp của anh đi tour đường bộ xuyên Việt, trong đoàn có một vị khách luôn tỏ ra rất khó tính, khi anh vừa lên xe cầm micro để thuyết minh thì vị khách đó hùng hổ đứng lên xin phép cả đoàn cho anh ta được đặt một câu hỏi cho HDV: “Theo anh, Việt Nam có phải là một nước dân chủ không?”.
thue xe da nang - huong dan vien 4


Trước đoàn khách, mình không thể từ chối mà cũng không thể trả lời cho riêng vị khách đó được. Bằng sự khôn khéo và tài hùng biện kết hợp với kiến thức hiểu biết về đường lối chính sách của nước bạn, nước mình, sau gần một giờ tâm tình để trả lời câu hỏi đó, và khi anh vừa dứt lời thì cả đoàn khách vỗ tay ào ào. Riêng vị khách kia vẫn tỏ ra chưa hài lòng, và trong cả một tour nửa tháng trời, bằng lối dẫn dắt câu chuyện với kiến thức của mình, với những câu chuyện về đất nước và con người Việt Nam trước, trong và sau chiến tranh cộng với sự chăm sóc khách tận tình, chu đáo, anh Tuấn đã “chinh phục” được vị khách khó tính kia.

Đêm trước ngày chia tay, vị khách đó chủ động mời anh đi nhà hàng, lúc này vị khách mới tâm sự rằng cha ông ấy đã mất tại chiến trường Việt Nam, và từ nhỏ cho tới khi lớn lên ông ta luôn mang trong mình một ý nghĩ không mấy tốt đẹp về Việt Nam. Khi chia tay tại sân bay, vị khách này đã ôm chầm lấy anh và khóc rưng rức như một đứa trẻ, nghẹn ngào trong nước mắt, ông ta cám ơn anh Tuấn vì nhờ có anh mà ông ta đã hiểu được về Việt Nam, ông ta không ngờ đất nước và con người Việt Nam lại tươi đẹp, thanh bình và mến khách đến thế, cám ơn vì đã giúp ông ta trút bỏ được suy nghĩ không tốt về Việt Nam từ bấy lâu nay.

Lương bèo bọt – Phải kiêm nhiều nghề

Nhọc nhằn, gian lao âm thầm sau niềm vui, nụ cười của khách, nhưng khi được hỏi về lương bổng thì đa số các HDV đều lắc đầu. Anh Tài – HDVDL tiếng Pháp, hiện là cộng tác viên cho các trung tâm điều hành hướng dẫn du lịch cho biết, mỗi lần các trung tâm này nhờ anh đi đoàn nếu là khách Việt thì họ trả anh 100.000đ/ngày, còn khách Pháp thì họ trả anh 10 – 15 USD/ngày tùy theo tour đi đường dài hay tour trong tỉnh. Khi được mời đi đoàn liên tục thì cũng thấy vui vì có thêm thu nhập, cũng có khi cả tháng trời mà không có đoàn nào cũng phải vui vẻ làm thêm công việc khác.

Tuy nhiên, hiện còn rất nhiều khó khăn đối với các HDV, bởi không phải HDV nào cũng có thẻ HDV, mà nếu không có thẻ thì HDV sẽ không thể dẫn đoàn đi tour đường dài dù có giỏi, có tâm huyết với nghề. Vì tại một số tỉnh thành và tại sân bay quốc tế hiện nay, HDV không có thẻ sẽ không được đến đón khách, còn nếu dẫn đoàn đi tham quan sẽ bị kiểm tra thẻ HDV và bị xử phạt rất cao.
 

thue xe da nang - trung tam ngoai ngu
Nhiều HDV đã đi dạy thêm ngoại ngữ tại các trung tâm vào buổi tối


Theo các HDV có thâm niên trong nghề và nhiệt tình với nghề HDVDL thì nếu xác định kiếm nhiều tiền bằng nghề HDV thì đó sẽ là một sai lầm ngay từ khi chọn ngành, chọn nghề. Chỉ có những người yêu nghề, thích khám phá, tìm hiểu, học hỏi và giao tiếp mới có thể gắn bó với nghề lâu dài được, còn không HDV sẽ thấy chán và buồn tẻ rồi sớm muộn cũng chuyển sang ngành khác.

Chính vì vậy, ngoài công việc tại công ty, một số HDV năng động đã đi dạy thêm ngoại ngữ tại các trung tâm vào buổi tối để vừa có thêm thu nhập, vừa trau dồi và củng cố vốn ngoại ngữ của mình. Anh Hòa (DLKH) đã từng đi dạy thêm tại các trung tâm ngoại ngữ được gần 10 năm tâm sự, không phải đi dạy lúc nào cũng suôn sẻ vì đặc tính của nghề nghiệp không chủ động được thời gian, có khi phải đưa khách đi chơi vào ban đêm nên phải sắp xếp dạy thay rất vất vả.

Giữ mãi “nụ cười du lịch”

Buồn vui trong nghề là thế, nhưng họ – những HDVDL trên từng cây số hay tại mỗi tuyến điểm tham quan vẫn nhiệt tình, xông xáo, vẫn nở nụ cười thật tươi như “nụ cười du lịch” mỗi khi thuyết minh hay khi trò chuyện cùng du khách. Và thật đáng trân trọng khi ở khắp mọi miền đất nước vẫn có rất nhiều các bạn trẻ mong ước được trở thành HDVDL.

Ngay tại cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2004 vừa qua cũng có không ít thí sinh mơ ước được làm HDVDL. Trên thực tế, hiện nay số lượng HDVDL được cấp thẻ và số các HDV giỏi trên địa bàn TP. Nha Trang vẫn còn thiếu rất nhiều, tuy hàng năm các trường đại học và cao đẳng vẫn có những sinh viên chuyên ngành HDVDL ra trường, nhưng họ khó có thể làm HDV ngay được bởi kiến thức thực tế và vốn ngoại ngữ được học trong nhà trường hiện nay chưa cho phép họ có thể thuyết minh và nói chuyện lưu loát với du khách.
 

thue xe da nang - huong dan vien du lich


Hiện nay, HDVDL biết tiếng Tây Ban Nha, Đức, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Nhật… hiếm hoi như lá mùa thu. Nhiều khi các Trung tâm lữ hành có khách cần HDV biết các ngoại ngữ trên tìm đỏ cả mắt mà không có. Khi tìm được thì các “HDV bất đắc dĩ” này tất nhiên là những HDV không chuyên, có nghĩa là họ chỉ biết có một ngoại ngữ còn kiến thức về tour, tuyến điểm tham quan thì lại không rành.

Để quảng bá hình ảnh về non sông, đất nước, về con người Việt Nam, ngoài việc quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, chính những HDVDL là những người trực tiếp làm công tác quảng bá rất hiệu quả và thiết thực nhất. Hãy để những “nụ cười du lịch” được nhân rộng như nụ cười của những người nông dân được mùa trên những cánh đồng nở rộ bông trái, và không chỉ là những nụ cười sảng khoái các HDV đem đến cho du khách, mà còn là nụ cười “ấm no” của chính những người đang yêu nghề HDVDL.

(theo congdongdulich.com.vn)