Mỗi khi nhắc đến bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp, Réhahn mang tên “Vietnam, moscaic of contrast” (tạm dịch Việt Nam - những mảnh ghép tương phản), người ta nhắc đến cụ Hai Xong, nhân vật được Réhahn đặt làm ảnh bìa tập ảnh về Việt Nam, nụ cười ẩn giấu.
Ảnh bìa trên chuyên trang Du lịch Báo Los Angeles (Mỹ)
Cụ Hai Xong có tên đầy đủ Bùi Thị Xong, 70 tuổi, quê ở xã Cẩm Nam, Hội An, làm nghề chèo thuyền đưa đón khách trên sông Hoài. Cụ Xong cười nói: “Gần đất xa trời, đến giờ mới cảm thấy mình… nổi tiếng”. Cụ lại cười bảo, hồi trẻ cụ cũng đẹp lắm. Rồi cụ kể lại câu chuyện về tấm ảnh và cuộc gặp gỡ với nhiếp ảnh gia người Pháp. “Năm 2013, tôi đang chèo thuyền trên sông Hoài, có một ông người Pháp đến hỏi tôi chèo lấy tiền công bao nhiêu. Tôi bảo 1 đô la 30 phút, ông ấy lên thuyền và sau đó chụp hình tôi”, cụ Xong cho biết.
Mãi cho đến tháng 4-2014, Réhahn quay lại gặp cụ. “Cậu ấy hỏi tôi có ước muốn gì. Tôi nghĩ rằng nếu cho tôi tiền, tôi tiêu cũng hết, chi bằng cho tôi chiếc ghe mới để tôi chèo thuyền kiếm sống qua ngày”, cụ Xong nói. Và sau đó, Réhahn mang đến tặng cụ một chiếc ghe mới. Cụ bảo: “Lúc cậu ấy kêu tôi qua dắt ghe về, tôi thấy bất ngờ và vui lắm. Thế là chiếc ghe cũ đã được thay mới”.
Tác giả Réhahn tại Phòng tranh Hội An.
Cụ Hai Xong nhớ lại chuyện xưa: “Ngày còn trẻ, tôi có ghe đi biển, sau này chiến tranh phải đi tản cư, rồi nghỉ biển luôn. Tôi mới làm nghề chèo thuyền trên sông gần 4 năm nay. Bữa có bữa không…”. Tấm ảnh “Nụ cười ẩn giấu” của cụ Xong phản chiếu những nét in hằn của thời gian, Réhahn từng nói ông thích chụp những cụ già với nụ cười được che giấu bởi đôi tay, vì nó thể hiện được dấu chân thời gian trên nếp nhăn của các cụ. Cụ Xong kể: “Vợ chồng tôi thường ngày chèo thuyền trên sông để nuôi 3 miệng ăn. Khổ nhất là thằng con lớn tên Đỗ Thành, bị bệnh bẩm sinh mãi không lớn được, tôi già rồi vừa chèo thuyền vừa nuôi con”. Ngoài ra, hai cụ còn một con gái và con trai đã có vợ. Cụ bảo: “Con gái tôi ở thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam không hay về thăm nhà vì hơi xa”.
Hỏi chuyện cụ chèo thuyền ở phố cổ có biết tiếng Anh không, cụ bảo: “Tôi không biết, có mấy đứa sinh viên ở Hà Nội đi thuyền rồi viết cho cái bảng bằng tiếng Anh để khách nhìn thấy”.
Cụ nhớ nhất mới đây vào ngày 4-5-2015, cụ được nhiếp ảnh gia Réhahn tổ chức sinh nhật chung tại nhà. Cụ nói: “Tôi già rồi mới biết sinh nhật ra làm sao, kể cũng vui”…
Theo Sài Gòn Giải Phóng