Sự thăng trầm của Đà Nẵng cũng như sự thăng trầm của đất nước, cũngmột thời đạn bom,một thời hòa bình. Nhìn dòng sông Hàn chiều chiều in bóng những tòa nhà cao ốc mới thấu hiểu được cái khát vọng trong lòng thành phố năng động nhất miền Trung này.
Thành phố của 05 không- 03 có
Là đô thị lớn thứ 03 trong cả nước, tuy với quy mô nhỏ nhưng Đà Nẵng luôn là một trong những địa phương dẫn đầu về năng lực cạnh tranh (PCI). Hơn nữa, lại được thiên nhiên ưu đãi, Đà Nẵng sở hữu những bãi biển, những ngọn núi và những con sông rất đẹp mà những nơi khác không dễ gì có thể sánh được. Cộng với sự tận tâm, nhiệt huyết của các thế hệ lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ và đặc biệt là hình ảnh, dấn ấn riêng, rất đậm nét của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh được người dân in sâu, ghi nhớ mãi, như lời ngân vang của một bài hát “Đà Nẵng ơi! Tình người”…
Nhắc đến Đà Nẵng, chắc người dân sẽ không quên được chương trình “05 không, 03 có”. 05 không – là không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của. Còn 03 có – là có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Đây là những yêu cầu, điều kiện quá lý tưởng mà Đà Nẵng đã và đang cố gắng thực hiện.
Nhắc đến Đà Nẵng, là nhắc đến chính sách thu hút “người tài”, thành phố tài trợ kinh phí ăn học cho các sinh viên giỏi, xuất sắc có nguyện vọng học nâng cao, học tiếp ở nước ngoài sau đó quay về bố trí công việc phù hợp, nhưng phải cống hiến cho thành phố ít nhất là 07 năm. Với 07 năm làm việc, tức là 07 năm gắn bó với Đà Nẵng, những “người tài” ấy sẽ xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái, và đó là nguyên nhân Đà Nẵng không bị chảy chất xám và giữ được người tài?!
Nhắc đến Đà Nẵng, là nhắc đến việc xây dựng những bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện ung thư và bệnh viện phụ nữ. Đây là những bệnh viện được xây dựng từ nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Với quy mô 500 giường bệnh, bệnh viện ung thư sẽ đáp ứng được một phần nào nhu cầu chữa bệnh của người dân địa phương và các tỉnh lân cận. Và với bệnh viện phụ nữ, nơi duy nhất trên cả nước chỉ dành khám chữa bệnh cho phụ nữ, nơi mà “tất cả chị em bị ung thư sẽ được chữa trị miễn phí” như lời ông Bá Thanh khi còn sống từng mong muốn như vậy.
Những lời khen dành cho Đà Nẵng thì rất nhiều , từ những người dân địa phương bình dị cho đến du khách thập phương, nhưng khi nhắc đến thương hiệu “thành phố đáng sống” bí thư Trần Thọ khiêm tốn cho biết rằng ông vẫn thích gọi là “thành phố sống tốt” hơn.
Người tài vẫn đang thất nghiệp
Theo ông Thọ thì “thành phố đáng sống là nơi từ trẻ em đến người già được chăm lo chu đáo từ cái ăn, cái mặc, chỗ ở, đi lại, học hành, chữa bệnh, vui chơi giải trí, là nơi không chỉ có sự thanh bình mà là thành phố thái bình. Người dân Đà Nẵng đã có mức thu nhập trung bình cao gấp 1,6 lần so với cả nước (đạt 2.600USD/năm), tuy nhiên, còn thua xa nhiều nước trong khu vực.Người tài vẫn đang… thất nghiệp
Về nơi ở, vẫn còn 818 căn nhà xuống cấp mà mùa mưa, mùa nắng đều lo, mùa bão còn lo sợ hơn nữa. Thành phố đáng sống không thể vẫn còn tệ nạn ma túy, có người bỏ học, trộm cắp. Như vậy, đối chiếu với những thành quả ở trên, có thể coi những lời tâm huyết nhưng khách quan của bí thư thành ủy Trần Thọ như là những mặt hạn chế, những thiếu sót mà Đà Nẵng cần phải khắc phục, và ông rất kỳ vọng ở thế hệ trẻ.
Bởi đọc tin Đà Nẵng hằng ngày, chúng ta vẫn phát hiện ra được những ông cán bộ dám “ém” 17.000 lô đất trong khi người dân tái định cư phải đi thuê nhà trọ, những “người tài” được thành phố tài trợ kinh phí ăn học vẫn ở một chân trời nào xa lắm hoặc những “người tài” đang thất nghiệp vì chưa thể bố trí được công việc thích hợp… Đọc tin Đà Nẵng hằng ngày, chúng ta vẫn phát hiện ra những người nghiện ma túy, những vụ trộm cắp, cướp giật, đánh nhau, bạo lực gia đình… và nhà văn hóa thiếu nhi của thành phố đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Trước đây, Đà Nẵng đã từng và bây giờ vẫn mang tiếng là thành phố “ăn nhậu” nhất cả nước. Đã thế, lang thang trên các con đường trong thành phố, một thực tế không thể phủ nhận là cà phê cóc mọc lên rất nhiều, nam thanh nữ lịch, những người đang độ tuổi lao động đầy trong quán, ngay cả thời gian được gọi là… giờ hành chính!?
Trong khi đó, ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy đã từng thừa nhận “thành phố hiện nay đang mắc phải vấn đề ‘thừa thầy, thiếu thợ’, chúng ta đã quá chú trọng thu hút cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ mà xem nhẹ vấn đề đào tạo nghề”.
Đúng vậy, nhìn những thanh niên ngồi đầy trong các quán cóc kia là có thể biết rằng vấn để giải quyết việc làm của thành phố đang có vấn đề, đây cũng là bài toán khó của cả nước, mà cơ hội vàng của tỉ lệ dân số vàng nước ta hiện nay khó có thể lặp lại trong tương lai.
Đà Nẵng đã từng “đột phá”, nhưng trọng tâm của việc “đột phá” phải là khâu việc làm. Chỉ có việc làm và việc làm ổn định mới có thể xây dựng thành phố này văn minh và phát triển bền vững được. Và đó mới là cái mốc đích thực của một thành phố đáng sống.
Đêm 30/4, Đà Nẵng sẽ tổ chức thi bắn pháo hoa quốc tế, cũng là một “thương hiệu” nổi tiếng của thành phố. Pháo hoa tượng trưng cho niềm vui và sự thịnh vượng. Một nền giáo dục tốt, một cơ chế quản lý tốt sẽ tạo nên những con người tốt, khi đó niềm vui và sự thịnh vượng mới bền lâu được.
Theo Vietnamnet.vn