Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đang đến hướng mục tiêu xây dựng một đô thị đáng sống, một thành phố năng động và phát triển trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong nhiều năm qua, các cấp chính quyền của TP Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực ứng dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan Nhà nước, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố.
Trong 6 năm liền, Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số ứng dụng CNTT – ICT Index Việt Nam (2009 – 2014) và vinh dự nhận nhiều giải thưởng quốc tế uy tín về phát triển chính quyền điện tử.
Quang cảnh hội thảo
Năm 2012, TP Đà Nẵng cũng vinh dự là một trong 33 thành phố trên thế giới được tập đoàn IBM trao giải thưởng “Thách thức của các thành phố thông minh hơn”. Tiếp theo đó, với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế IBM, thành phố Đà Nẵng đã lập đề án xây dựng thành phố thông minh hơn và được UBND TP ban hành tại quyết định 1797/QĐ –UBND ngày 25/3/2014.
Triển khai đề án này, các sở, ban, ngành, quận, huyện đã chủ động xây dựng các dự án ứng dụng, các giải pháp CNTT nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đô thị khác nhau.
Năm 2013, Sở Thông tin – Truyền thông phối hợp với Sở Giao thông vận tải triển khai hệ thống quản lý giao thông công cộng bằng thiết bị giám sát hành trình. Sở Thông tin – Truyền thông cũng phối hợp với Công ty cấp nước triển khai hệ thống giám sát chất lượng nước bằng thiết bị cảm biến tại Nhà máy nước cầu Đỏ. Việc triển khai các hệ thống nói trên là bước đi ban đầu trên lộ trình hướng đến xây dựng một thành phố thông minh.
Với hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, mô hình chính quyền điện tử đang hoàn thiện… Đà Nẵng đang ở vị thế sẵn sàng để áp dụng mô hình thành phố xanh và thông minh.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Đăng Huy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cho hay: với tốc độ và sự gia tăng số lượng phương tiện giao thông cá nhân như hiện nay và hạn chế về giao thông công cộng, nếu thành phố không có những giải pháp hữu hiệu bền vững thì tình trạng gia tăng về ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông là những nguy cơ trong tương lai. Do đó, chính quyền TP Đà Nẵng đã và đang xem xét, thực hiện các giải pháp để tăng cường hiệu quả quản lý giao thông, trong đó ứng dụng công nghệ giao thông thông minh là cấp thiết, mang lại hiệu quả cao và hướng đến một thành phố xanh và thông minh.
Trong những năm qua, Sở Giao thông vận tải đã tham mưu cho thành phố thực hiện các giải pháp, dự án ứng dụng hệ thống giao thông thông minh ở TP Đà Nẵng. Đó là hình thành Trung tâm điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu hạ tầng giao thông trên nền tảng công nghệ thông tin địa lý GIS, ứng dụng camera giám sát các xe quá tải qua cầu Thuận Phước, camera giám sát xe máy đỗ trên đường Nguyễn Văn Linh và hệ thống ITS phục vụ tuyến xe buýt nhanh BRT.
Ông Nguyễn Đăng Huy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng chia sẻ tại hội thảo
Cũng theo ông Huy, với tầm nhìn phát triển giao thông vận tải đến năm 2030 của thành phố được xác định là xanh – hiện đại – thân thiện nên việc triển khai ứng dụng giao thông thông minh là đòi hỏi tất yếu. Trong đó, hệ thống giao thông thông minh được áp dụng trong các lĩnh vực: Tập trung phát triển hệ thống giao thông công cộng (xe buýt thường, xe buýt nhanh, tàu điện ngầm…) thân thiện, hiện đại, áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến.
Quản lý giao thông hạ tầng với công nghệ tiên tiến như xây dựng hệ thống quản lý hạ tầng giao thông trên nền tảng công nghệ thông tin địa lý. Nâng cấp Trung tâm điều hành giao thông, lắp đặt các thiết bị kiểm soát giao thông tại hầu hết các tuyến đường… Nghiên cứu ứng dụng quản lý bãi đỗ xe thông minh (trên đường và trong bãi), thu phí tự động để nâng cao năng lực quản lý, giảm thiểu công nhân và thất thoát tài chính.