Phát biểu tại hội thảo sáng 2/4 về phòng chống tác hại rượu bia do Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tổ chức, các chuyên gia cảnh báo tình trạng tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam đang rất báo động. Với 3 tỷ lít bia tiêu thụ trong năm 2013, Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ ba châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc.
Thạc sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế. Ảnh: N.P. |
“Chúng tôi từng đi một số nơi để tìm hiểu cách sản xuất rượu của người dân như thế nào. Hiện rất ít nơi còn sản xuất truyền thống theo kiểu chưng cất mà sử dụng cồn công nghiệp. Ví dụ ở Sơn La, người dân mua men Trung Quốc về ngâm gạo sống 2 ngày là đã có rượu uống. Ở phía Nam người ta thường cho cồn vào can nước 20 lít, phơi dưới ánh nắng 8-9 tiếng là được. Tác hại của những loại rượu này rất lớn”, thạc sĩ Hạnh nhấn mạnh.
Theo bà, rượu bia không phải là đồ uống bình thường mà đã và đang gây tổn hại cho bản thân người sử dụng cũng như toàn xã hội. Tiêu thụ 3 tỷ lít bia đồng nghĩa người Việt phải bỏ ra khoảng 3 tỷ USD, bằng gần 3% số thu ngân sách của cả nước. Trong khi các công ty kinh doanh rượu bia chỉ nộp 16.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, chưa kể chi phí giải quyết hậu quả do đánh nhau, tai nạn giao thông, bệnh tật.
Ngoài ra, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra 30 mã bệnh và nguyên nhân cấu thành của 200 mã bệnh khác. Tử vong do loại đồ uống có cồn này còn nhiều hơn HIV/AIDS, nó đang tàn phá sinh mệnh con người âm thầm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, rượu bia khi vào cơ thể chỉ 2-8% bài tiết qua mồ hôi, nước tiểu, hơi thở; còn lại hấp thu vào gan, thận; đặc biệt là gan - cơ quan đón nhận đầu tiên. Đồ uống có cồn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Ước tính có 21% số người tử vong do bệnh ung thư có thể phòng ngừa nếu không sử dụng rượu bia.
Các chuyên gia nhấn mạnh việc quảng cáo và khuyến mại tài trợ thúc đẩy gia tăng sử dụng rượu bia. Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống pháp luật trong lĩnh vực này. Thạc sĩ Trần Thị Trang, Vụ phó Pháp chế, Bộ Y tế phân tích, luật chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên. Điều này đồng nghĩa rượu dưới 15 độ, bia và đồ uống có cồn được quảng cáo như hàng hóa, dịch vụ bình thường, vì thế không hạn chế về đối tượng tiếp cận, nội dung, thời gian và không gian.
“Đừng nghĩ rằng bia không có hại như rượu thì quản lý bia so với rượu nhẹ tay hơn. Bia nhẹ hơn rượu thì tác hại ít hơn, nhận thức này hết sức sai lầm. Tác hại của lạm dụng rượu bia là như nhau”, thạc sĩ Trang nói.
Chuyên gia Bộ Y tế kiến nghị cần điều chỉnh quảng cáo khuyến mại tài trợ theo nồng độ cồn, chứ không phải theo sản phẩm là bia hay rượu. Bộ Y tế đang xây dựng dự luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, trong đó đề xuất các giải pháp mạnh trong khuyến mại, quảng cáo, tài trợ các sản phẩm này.
Theo chuyên gia y tế, lý tưởng nhất là người dân không nên uống rượu bia. Nếu uống thì nên giữ không quá 2 đơn vị/ngày đối với nam dưới 60 tuổi. Mức này có nguy cơ với sức khỏe nhưng ở mức độ thấp. Một tuần nên ngừng uống 1-2 ngày để gan có cơ hội tái tạo; với người có bệnh lý gan thì nên giảm đến mức thấp nhất có thể.