baner-open-tour
open tour

Khách Trung Quốc giành ăn, du lịch Việt Nam ''xử'' đẹp

Nhiều công ty du lịch của Việt Nam ngán ngẩm trước cách các du khách Trung Quốc lấy đồ ăn lãng phí, thậm chí tranh giành lẫn nhau.

Thời gian gần đây truyền thông Trung Quốc đưa nhiều hình ảnh không đẹp, đáng xấu hổ của du khách nước này khi đi du lịch, thăm quan tại nước ngoài như tranh ăn trái cây ở Việt Nam hay lấy những đĩa tôm và thức ăn đầy ắp, lãng phí thậm chí tranh giành nhau ăn tôm ở Thái Lan.

Bà Nguyễn Thị Hoài – Phó Giám đốc Công ty TST Travel đã chia sẻ thêm với Đất Việt những tình huống gặp phải khi nhiều lần phục vụ khách Trung Quốc ở nước ngoài.

“Bản thân tôi làm việc tại Singapore và đã gặp khách Trung Quốc rồi. Và tôi cảm thấy vô cùng bất mãn trước cách họ ăn uống, đặc biệt là buffet sáng, họ không tiết kiệm. Thứ hai văn hóa ăn uống của họ rất bừa bộn, bẩn kinh khủng. Sau một vài lần phục vụ khách Trung Quốc chúng tôi ngán ngẩm luôn bởi bê bết đồ ăn, bát đũa.

 Ở nước ngoài họ dùng đĩa lớn để ăn tối rất nặng và to nhưng du khách Trung Quốc họ cứ lấy từng ụ lớn đồ ăn, rất nhiều, rồi bầy bừa lãng phí ra đó kể cả con nít lẫn người lớn. Tôi phải dùng từ vô duyên khi nói về những thói quen xấu này của họ”, bà Hoài khẳng định.

Khach Trung Quoc gianh an, du lich Viet Nam ''xu'' dep
Nhiều công ty du lịch của Việt Nam ngán ngẩm trước cách các du khách Trung Quốc lấy đồ ăn lãng phí, thậm chí tranh giành lẫn nhau.

Phó Giám đốc công ty TST Travel kể rằng, tại khách sạn 5 sao nơi công ty TST Travel dẫn khách tại Singapore và ở nhiều nhà hàng, khu vui chơi giải trí khác, các công ty du lịch thường phân ra luôn các khu vực riêng để khách Trung Quốc vào đó ăn uống, sinh hoạt. 

“Phân ra như thế không vấn đề gì cả nhưng phải biết cách nói với khách để họ hài lòng. Phải giải thích để khách Trung Quốc hiểu rằng, chia ra các khu vực riêng như vậy không phải là phân biệt họ mà đó là một sự tôn trọng. Tôn trọng văn hóa của người ta, cách thức ăn uống của người ta. Với khách châu Âu thì họ ăn uống một cách lịch sự, từ tốn hơn. Khách nào cũng là khách và đều được hưởng dịch vụ như nhau mặc dù cách ăn uống của họ có phần lãng phí thật”, bà Hoài nhấn mạnh thêm.

Là một công ty tổ chức có tour du lịch dọc khu vực miền Trung – Tây Nguyên, hàng năm Dathanhtravel cũng đón nhiều đợt khách Trung Quốc đến thăm quan, nghỉ dưỡng, anh Thành, đại diện công ty cho biết cũng từng gặp nhiều trường hợp các vị khách đến từ Trung Quốc có cách hành xử thiếu văn minh khi đến các nhà hàng, bữa tiệc, khu du lịch.

“Nhiều nơi, du khách họ cũng tranh giành nhau các loại hoa quả, đặc sản vùng miền khi được giới thiệu. Chuyện này cũng dễ hiểu thôi. Bởi khách Trung Quốc đến Việt Nam cũng có rất nhiều đối tượng khác nhau. Với những người có điều kiện, họ đã đi thăm quan, nghỉ dưỡng từ rất lâu rồi.

Có một số ít, cán bộ, người dân ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa của Trung Quốc khi đi du lịch, họ chưa quen với việc được phục vụ. Họ cứ nghĩ rằng nếu không nhanh tay thì sẽ mất hết đồ ăn, bị người khác lấy hết nên sinh ra tâm lý giành giật, tranh cướp. Tuy nhiên điều này không phải lỗi hoàn toàn do khách mà có thể do người dẫn đoàn họ quên không tìm hiểu kỹ để giải thích cho khách hiểu rõ”, anh Thành cho hay.

Thu hút khách Trung Quốc thích giành ăn

Theo đại diện công ty Dathanhtravel, các công ty cũng như những người làm du lịch hoàn toàn có thể dựa trên sở thích ăn uống của người Trung Quốc để xây dựng các chương trình du lịch gắn liền với ẩm thực để thu hút họ đến Việt Nam nhiều hơn.

“Chúng ta có nhiều địa điểm rất đẹp, lại có nhiều đặc sản hoa quả, ẩm thực vùng miền đặc trưng, giá cả cũng không hề đắt. Vì thế việc xây dựng chương trình du lịch ẩm thực là một cách làm rất hay.

Ở Thái Lan họ cũng đã có một mô hình rất tốt, phong phú khi chia thành các điểm đến riêng như: khu vui chơi, khu mua sắm, khu ẩm thực, khu nghỉ dưỡng để khách hàng có nhu cầu có quyền lựa chọn những điểm đến ưa thích. Việt Nam cũng nên học hỏi để áp dụng, xây dựng mô hình rộng ra trên cả nước”, anh Thành chia sẻ.

Có nhiều thời gian tiếp xúc với khách Trung Quốc, anh Thành cho biết, ngoài khoản tiền 50 USD ngày/người công ty thu của khách, thì việc chi tiêu ngoài tour của các vị khách đến từ Trung Quốc cũng không cao, thậm chí thấp hơn nhiều so với khách châu Âu. Vì thế, theo đại diện công ty Dathanhtravel, để Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn từ khách hàng đến từ Trung Quốc thì cần phải nắm bắt được tâm lý và hiểu sở thích của họ.

“Một số lượng lớn khách Trung Quốc đến Việt Nam rất thích các món ăn, ẩm thực Việt vì thế cần phải nhân rộng và phát triển mạnh mẽ hơn mô hình nữa. Ngoài ra, với các khách có tiền, họ cũng rất kén chọn tour và lịch trình.

Nếu cứ bố trí họ đến các điểm vui chơi, giải trí sầm uất họ sẽ không thích, tại Trung Quốc cũng quá nhiều điểm đến như vậy rồi. Những người làm du lịch cần phải xây dựng các tour du lịch khám phá kết hợp nghỉ dưỡng, những khu vực còn hoang sơ, tự nhiên, chưa ai khai thác nhiều thì mới mong người Trung Quốc họ hào hứng tham gia và mạnh tay chi tiền”, anh Thành nhấn mạnh.

Cùng chung nhận định, bà Hoài, Phó Giám đốc Công ty TST Travel cho rằng mô hình du lịch ẩm thực là một ý tưởng hay, độc đáo để quảng bá cũng như thu hút khách du lịch, trong đó có khách Trung Quốc. Tuy nhiên hiện nay không nhiều đơn vị có thể làm được và dám làm.

“Du lịch ẩm thực là một cách làm tốt, tận dụng được những thế mạnh về hoa quả, đặc sản vùng miền của Việt Nam. Tuy nhiên nó có một hạn chế là rủi ro rất lớn và không tính được giá.

Ví dụ khi đi tour định giá 150.000 đồng hoặc 170.000 đồng một bữa ăn thì nhà hàng có thể tính ngay lời bao nhiêu, chi ra bao nhiêu tiền. Tuy nhiên khi áp dụng mô hình du lịch ẩm thực thì thống kê chính xác rất khó, nó đầy mạo hiểm”, bà Hòa dẫn chứng.

Với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành du lịch, bà Hòa cho rằng để thu hút thêm khách Trung Quốc đến Việt Nam và để họ mạnh tay chi tiền vào các dịch vụ, thì cần phải nâng cao chất lượng điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ.

“Khách Trung Quốc là đối tượng khách tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên chưa có những chương trình, điểm đến thật sự đầu tư và thu hút họ. Chúng ta cần phải chú trọng vào điều này từ nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng đến hướng dẫn viên du lịch phải gần gũi với phong tục tập quán và con người Trung Quốc. Văn hóa Việt Nam và Trung Quốc tương đồng nhau, đây là một lợi thế”, bà Hoài đánh giá.

Hà Đông

Nguồn: Báo Đất Việt - baodatviet.vn