baner-open-tour
open tour

Những lưu ý khi du lịch miền Bắc mùa lạnh

Khéo léo trong chọn trang phục sao cho vừa ấm vừa gọn nhẹ, mang theo thuốc, những vật dụng tránh rét cần thiết… là những lưu ý quan trọng trên đường du lịch mùa lạnh ở vùng núi cao.

Hà Giang, Mộc Châu, Mẫu Sơn, Sa Pa… vào mùa đông hấp dẫn du khách với những đồi hoa cải trắng, hoa ban, hoa mận và đặc sản tuyết rơi. Du lịch lên vùng núi cao mùa lạnh, bạn cần lưu ý những điều dưới đây để có chuyến đi trọn vẹn.

Trang phục

Mùa đông ở miền Bắc nước ta rất lạnh, tuy nhiên bạn đừng vì thế mà tham lam mang theo những trang phục quá dày.

Áo: Kinh nghiệm cho thấy rằng, việc mặc nhiều lớp áo mỏng sẽ giúp bạn giữ được thân nhiệt ổn định lâu hơn việc mặc những chiếc áo to sụ, dày cộm. Nên mặc chiếc áo thun dài tay để giữ nhiệt, lớp thứ 2 là áo len rồi đến áo khoác. Áo khoác ngoài cùng nên là áo gió hoặc áo da, chống thấm nước.

Quần: Nên mặc quần tất có lớp lót bông hoặc nỉ bên trong, mặc thêm bên ngoài những chiếc quần có chất liệu co giãn như cotton dày, nỉ, hoặc quần gió.

1504103-632315113499206-161375-4425-5061

Ngoài ra, không thể thiếu khẩu trang, găng tay, bịt tai, kính chắn gió... Ảnh: MV. Thanh.

Giày chống trượt và ủng đi mưa: Nên dùng giày cao cổ, mặt trong có chất liệu giữ ấm. Đế giày chống trơn trượt. Ủng đi mưa là chiếc ủng bằng nylon, với ưu điểm nhỏ, gọn, dùng một lần là bỏ đi, bạn có thể bọc ngoài đôi giày để đi mưa hoặc bọc vào chân đã đi tất rồi mới đi vào giày để giữ ấm.

Tất: Không nên đi nhiều tất, sẽ bị bó chân và di chuyển không thoải mái. Tốt nhất chọn loại tất len dành cho mùa đông, dày, lông xù và phần tất ở lòng bàn chân dày hơn. Nếu là tất mỏng, bạn cần đi 2-3 đôi mới đủ ấm. Cần thiết phải dùng tất cổ cao để việc giữ nhiệt được tốt hơn.

Khăn quàng cổ: Đừng quên đem theo bên người chiếc khăn quàng ấm áp vì chúng sẽ vô cùng có ích và phát huy tác dụng trong việc giữ ấm cơ thể.

Đồ dùng

Ngoài những vật dụng mang theo khi du lịch thường thấy như điện thoại, sạc pin, máy ảnh, thẻ nhớ, bật lửa, ô, áo mưa… bạn cũng cần chuẩn bị thêm những miếng dán tạo nhiệt, túi sưởi, sạc dự phòng… Ngoài ra, một vài tờ báo hay khăn giấy sẽ giúp ích bạn trong việc lau khô đồ đạc và hút ẩm cho giày, dép.

Di chuyển

Tốt nhất là không nên đi xe máy, nhưng nếu không còn lựa chọn nào khác, bạn nên trang bị kỹ càng để an toàn và khỏe mạnh suốt hành trình. Khi lái xe máy khi trời có tuyết rơi, đặc biệt là đường đèo cần giảm tốc độ. Không nên về số 0 và bóp phanh vì dễ dẫn đến trượt bánh. Nếu cẩn thận, bạn nên trang bị loại lốp có gai cho cả ô tô và xe máy để chống trơn trượt.

Khi thời tiết trở nên quá xấu, bạn nên ngừng việc di chuyển và tìm nơi trú ẩn gần nhất đề phòng rủi ro có thể xảy ra. Cũng cần tính toán kỹ lịch trình để đến được điểm dừng trước khi đêm xuống, nhất là các cung đường đèo dốc ngoằn ngoèo và tầm nhìn hạn chế.

Ăn uống

2-3915-1415617630.jpg

Nên tăng cường ăn các thức ăn có đạm, đồng thời uống nước ấm thường xuyên để cung cấp thêm năng lượng cho cơ thể, tăng khả năng chịu rét. Ảnh: MV. Thanh.

Ngoài ra, các loại rau củ tươi như bạc hà, cà rốt, diếp cá, đinh lăng, hành tây, kiệu, húng chanh, húng quế, kinh giới, mùi ta, ngải cứu… hoặc đồ cay nóng như gừng, hành tây, ớt, hạt tiêu, tỏi… sẽ góp phần sinh nhiệt, làm ấm người, giúp ngừa cảm lạnh, chống cảm cúm.

Thuốc

Khi du lịch đến những nơi trên cao vào mùa lạnh, bạn nên chuẩn bị kỹ lưỡng thuốc men, đặc biệt là những thuốc chống cảm lạnh, cúm, sốt, nhức đầu, dầu gió, dầu gừng bên mình để chống rét kịp thời. Mang thêm vài túi trà gừng để dùng nóng lúc sớm mai sẽ giúp tinh thần thư thái, ổn định thân nhiệt.

Lưu ý

- Không nên mang theo trẻ nhỏ khi du lịch ở vùng nhiệt độ xuống quá thấp.

- Mang theo kem dưỡng da, son môi giữ ẩm để tránh khô nẻ.

- Nên gói đồ đạc, hành lý trong túi nylon trước khi cho vào ba lô và cần chuẩn bị  trang phục dự phòng để thay thế khi đồ bị ướt.