baner-open-tour
open tour

5/5 Tết Đoan Ngọ và nguồn gốc bánh Ú

Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Đoan Dương, dân gian Việt Nam còn gọi là ngày tết sâu bọ là ngày Tết truyền thống của nhiều nước phương Đông, diễn ra vào mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, năm nay rơi vào ngày 25/6/2020.

Hàng năm cứ đến mùng 5/5 âm lịch, người người nhà nhà lại chuẩn bị nào lá mùi, bó lá thuốc, nào mâm cúng, đặc biệt không thể thiếu chiếc bánh Ú. Vậy có bao giờ bạn tự hỏi Tết Đoan Ngọ là gì? Tại sao lại có bánh Ú trong ngày này?

tết đoan ngọ mồng 5/5 bánh ú


"Đoan" nghĩa là mở đầu, "ngọ" là khoảng thời gian từ 11-13 giờ trưa, nghĩa là cái Tết diễn ra vào buổi trưa, là lúc mặt trời ở vị trí gần với trái đất nhất, trùng với ngày Hạ Chí. Theo triết lý y học phương Đông, khí dương của con người và trời đất vào ngày này đều rất tốt. Tại mỗi nước khác nhau, tục lệ ăn mừng và nghi thức cũng khác nhau, chẳng hạn như ở Nhật, ngày này còn là lễ dành cho các bé trai, người ta thường treo cờ cá chép mang ý nghĩa "cá vượt vũ môn" cầu mong phước lành, điều tốt nhất sẽ đến. Vào ngày này ở Trung Quốc người dân sẽ treo một bó lá thảo dược treo trước nhà để xua đuổi tà ma và đeo túi thơm chứa nhiều loại hương liệu có thể đuổi rắn rết, sâu bọ, phòng chống bệnh.

tết đoan ngọ 5/5

Tục lệ treo bó lá thuốc treo trước cửa nhà, lá có hương thơm khá nồng và mạnh, người ta tin rằng mùi hương này sẽ đuổi được các loại côn trùng, hình dạng trông giống như một thanh kiếm có tác dụng xua đuổi được tà ma.

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được gọi là ngày Tết diệt sâu bọ. Bởi trong giai đoạn chuyển mùa này, cây cối dễ phát sinh dịch bệnh, ngày này người dân sẽ phát động ra đồng bắt và diệt bớt các loại côn trùng gây hại cho mùa màng, sau đó lựa ra những loài sâu bọ có thể ăn được và xem là một bữa ăn bổ dưỡng. Vì thế, vào đúng dịp này dân gian thường có nhiều tục lệ phòng bệnh, xua đuổi tà mà. Cũng theo quan niệm xưa, ngày này các loại ký sinh trong cơ thể thường ngoi lên nên người ta thường ăn những thức ăn, hoa quả có vị chua để tiêu diệt chúng.

tết đoan ngọ

Tết Đoan Ngọ bắt nguồn từ một truyền thuyết xa xưa về vị thi hào Khuất Nguyên vào cuối thời Chiến Quốc. Khuất Nguyên là vị trung thần nổi tiếng chính trực, ngay thẳng, ông còn có tài làm thơ văn được người dân yêu quý và kính trọng. Tuy nhiên cũng do tính tình bộc trực của mình, ông đã khiến cho nhiều người trong triều ganh ghét, đố kị và chơi xấu sau lưng, cùng với việc ông đứng ra can ngăn vua Hoài vương, Khuất Nguyên bị lưu đày ra Giang Nam. Chứng kiến đất nước dần đi xuống mà bản thân không thể làm gì, ông tuyệt vọng và gieo mình xuống sông Mịch La tự tử. Tiếc thương trước tấm lòng trung kiệt của Khuất Nguyên, không muốn thân xác ông bị cá tôm rỉa, người dân đã dùng lá gói nếp đem thả xuống dòng sông nhằm bảo vệ xác ông. Kể từ đó tập tục ăn bánh Ú xuất hiện và dần cải tiến cho đến hình dạng hiện nay. Qua nhiều năm, phần nhân bánh đã được người dân sáng tạo và phù hợp với dân tộc mình hơn.

bánh ú tết đoan ngọ

Bánh Ú hay còn gọi là bánh Bá Trạng, hình dạng tương tự bánh Ú tro của người Việt với hình dạng kim tự tháp rất quen thuộc, nhưng đa dạng nhân hơn, mặn có, ngọt có và vị cũng đậm hơn. Nếu như ở bánh tro, phần gạo nếp bên ngoài hơi trong suốt thì ở bánh Bá Trạng, phần gạo nếp vẫn được nhìn thấy khá rõ. Món bánh này hầu như chẳng có công thức rõ ràng, không có cách nào là chuẩn, chúng thay đổi linh hoạt dựa trên sở thích của mỗi gia đình. Với phần nhân bánh rất đa dạng có đến cả chục loại tuỳ từng vùng miền. Bánh của người Quảng thì thường có thêm hạt sen, phần nhân không được xào, của người Tiều thì có thêm tôm khô, còn bánh của người Phước Kiến có màu thẫm hơn của ngũ vị hương và nước tương. Bởi mới thấy, chiếc bánh nhìn đơn giản ấy lại mang trong mình những điểm đặc trưng của từng văn hoá khác nhau.

bánh ú tết đoan ngọ

Tuy có nhiều giả thiết xung quanh nguồn gốc câu chuyện đằng sau chiếc bánh Ú thế nhưng dù lý do là gì bánh Ú đã trở thành nét văn hoá, tập tục không thể thiếu trong đời sống của người dân.

nguồn: https://tinhte.vn/thread/mung-5-5-tet-doan-ngo-va-nguon-goc-cai-banh-u.3152244/