baner-open-tour
open tour

Bắc Giang bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo

Hát ống, hát ví xuất hiện ở làng Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) hàng trăm năm nay, song trải qua nhiều biến cố thời gian, loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này dần bị mai một và lãng quên. 

Hát ống, hát ví xuất hiện ở làng Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) hàng trăm năm nay, song trải qua nhiều biến cố thời gian, loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này dần bị mai một và lãng quên. 

 

Tuy nhiên, với nỗ lực của chính quyền địa phương, đến nay những câu hát ống, hát ví với lối hát giao duyên, đối đáp nam - nữ trữ tình, giàu cảm xúc lại được ngân lên. 

Ông Nguyễn Văn Đài, 74 tuổi, ở thôn Hậu, một trong những người có công lớn trong việc sưu tầm, khôi phục và truyền bá hát ống, hát ví cho biết: Không ai nhớ chính xác loại hình nghệ thuật này ra đời từ khi nào, song từ thời phong kiến, những người thợ cày, thợ cấy, thợ gặt từ các nơi kéo về đây gặt thuê, cấy mướn đã cùng nhau cất lên lời hát ngợi ca lao động, ngợi ca vẻ đẹp quê hương, tình làng nghĩa xóm, tình yêu đôi lứa... dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân xã Liên Chung. Hát ống, hát ví diễn ra trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, các tiểu phẩm kịch, hoạt cảnh dân ca do người dân tự biên tự diễn hay qua lời ru của bà. Trong các buổi đi cấy đi cày, làm cỏ, tát nước… nông dân hát đối đáp, giao duyên để bớt đi những mệt nhọc ngày mùa. 

Nét độc đáo của hát ví chính là ở ngôn từ phong phú, khả năng ứng biến linh hoạt của người hát cũng như sự sáng tạo trong lời bài hát sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Những lời hát hay thường chứa đựng trong đó sự hóm hỉnh, thông minh, tình cảm và thái độ trân trọng với người hát đối. Hát ống về hình thức vẫn là hát ví nhưng hai bên hát thông qua một dụng cụ là hai chiếc ống bằng tre có đường kính từ 7-10cm, dài chừng 15-20cm thông hai đầu, một đầu được bịt bằng da ếch, liên kết hai ống với nhau bởi một sợi dây tơ tằm buộc vào hai chiếc kim khâu. Tùy thuộc vào cự ly hát mà sợi dây dài hay ngắn, thường là từ 60 - 70 sải tay. Khi hát, âm thanh làm các màng da ếch rung lên, tín hiệu âm thanh truyền qua sợi dây tới đầu ống bên kia, người nghe dù đứng xa hàng chục mét vẫn nghe rõ mồn một. Lý giải cho sự ra đời của nghệ thuật này, ông Đài cho rằng: Thời phong kiến “nam nữ thụ thụ bất thân”, dù có thương nhớ nhau cũng chỉ bày tỏ qua lời ca, câu hát. Do vậy, các cụ đã sáng tạo ra môn nghệ thuật hát ống để có thể truyền nhau những tiếng hát giao duyên, hát đối nam – nữ… gửi gắm tâm tư, tình cảm yêu thương. 

Theo ông Ngô Văn Nguyên - Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát ví, hát ống xã Liên Chung, hát ví có ba hình thức là ví lẻ, ví vặt và hát ví cuộc. Ví lẻ, ví vặt có thể hát bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu với đề tài có thể là bất cứ cái gì, vấn đề gì mà người hát quan tâm. Ví cuộc thường được hát trong những buổi lễ hội với ba giai đoạn: hát chào hỏi, hát giao duyên, nguyện ước và hát tiễn dặn. Nhưng dù dưới hình thức nào thì hát ví bao giờ cũng phải có hai bên, thường là một bên nam, một bên nữ. 

Nhằm gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này, những năm gần đây, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực như vận động những người tâm huyết với môn nghệ thuật này sưu tầm lời hát; thành lập câu lạc bộ hát ống, hát ví, hiện đã có 32 hội viên và đi diễn nhiều nơi. Tuy nhiên, theo ông Lương Đức Tráng - Chủ tịch UBND xã Liên Chung, khó khăn nhất hiện nay là những nghệ nhân có tâm huyết không còn nhiều, kinh phí hoạt động của Câu lạc bộ hạn hẹp, các hội viên không được hưởng bất cứ khoản hỗ trợ nào nên công tác sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn những lời hát cổ đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, ông Đài cho rằng để tháo gỡ những khó khăn hiện nay cần phải sân khấu hóa hát ống, hát ví, nghĩa là phải có các nhạc cụ phụ họa kèm theo khi biểu diễn. Nếu được sân khấu hóa thì tần suất đi biểu diễn sẽ tăng lên gấp nhiều lần và qua đó phổ biến được rộng rãi, đặc biệt là mang lại nguồn thu nhập cho những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này. 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đinh Đức Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết: Những năm qua huyện rất nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị hát ống, hát ví. Huyện đã thành lập câu lạc bộ hát ví, hát ống và hàng năm đều hỗ trợ kinh phí cho các hội viên mua trang phục hoặc tham gia biểu diễn tại các lễ hội. Thời gian tới, huyện sẽ tăng kinh phí cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị hát ống, hát ví, đồng thời lập danh sách những bậc cao niên tâm huyết với loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này để trình các cơ quan chức năng xem xét công nhận danh hiệu nghệ nhân. Bên cạnh đó, huyện cũng có kế hoạch đưa hát ví, hát ống vào các trường học trong xã để truyền dạy cho thế hệ trẻ