Du lịch Việt Nam bắt đầu phát triển từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước cùng với tiến trình đổi mới, hội nhập quốc tế. Nhưng làm du lịch văn hóa vẫn là một khái niệm còn khá mới mẻ đối với nhiều người dân Việt Nam và cả đối với một số người công tác trong ngành du lịch.
Từ một tiết mục múa lân
Quần thể di tích cố đô Huế là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận năm 1993. GS. Trần Văn Khê là một chuyên gia văn hóa được UNESCO tin cậy giao giúp Việt Nam hoàn thiện hồ sơ. Sau khi “đại sự” hoàn thành, GS. Trần Văn Khê đã có một buổi nói chuyện về đề tài bản sắc văn hóa Việt Nam trong phát triển du lịch tại khách sạn Bến Thành (Rex).
Giáo sư nói cả buổi mà tôi chỉ nhớ mỗi một chuyện. Ông kể rằng trong buổi lễ mừng sự kiện Huế được công nhận di sản thế giới, lãnh đạo bố trí cho ông ngồi cạnh tùy viên văn hóa của UNESCO để dễ trao đổi về chuyên môn và cũng để “tiếp thị” thêm cho Huế và văn hóa Việt Nam. Khi trên sân khấu có tiết mục “Lân mẫu xuất lân nhi”, GS. Trần Văn Khê quay sang ông tùy viên văn hóa nước ngoài nói: “Ông là người đã đi nhiều nơi, xem nhiều màn múa lân. Ông thấy con lân ở Macao hay ở Hồng Kông rất tài giỏi và khéo léo, nó có thể múa trên dàn cột (mai hoa thung), leo lên cột cao để “đớp tiền” người ta treo trên đó. Múa lân ở Việt Nam thì khác. Màn múa “Lân mẫu xuất lân nhi” này không biểu diễn tài khéo mà chỉ diễn tả tình cảm của một gia đình lân. Khi con lân mẹ mang bầu rồi sinh nở, nó đau đớn quằn quại ra sao, con lân bố lo lắng chạy vòng quanh ra sao. Khi con lân con ra đời, hai vợ chồng lân vui mừng ra sao. Đến cuối màn múa, chúng ta sẽ thấy cả một gia đình lân đi ra đi vô đề huề... Tình cảm gia đình của người Việt Nam là rất sâu đậm”.
Ông tùy viên văn hóa UNESCO xem xong tiết mục, thành thực nói: “Đúng là tuyệt hay, tôi chưa bao giờ được xem một tiết mục múa lân đặc sắc và xúc động như vậy!”. Ông Trần Văn Khê kết luận rằng trong sinh hoạt hàng ngày của người Việt Nam, nếu biết quan sát và ghi nhận, chúng ta có thể phát hiện ra nhiều nét đẹp văn hóa hấp dẫn du khách, và đó cũng là một cách làm du lịch văn hóa.
Nghĩ về du lịch văn hóa
Thay vì tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn từ việc khai thác nhu cầu du lịch, cần nhắm đến việc bảo tồn và nâng cao sự thân thiện với môi trường và văn hóa, và đó phải là điều kiện đầu tiên thu hút du khách. |
Du lịch chiếm một vị trí hơi khác thường trong mối quan hệ với công nghiệp văn hóa. Theo nghĩa rộng nhất, hình thức du lịch nào, dù là nội địa hay quốc tế, cũng đều có một chiều kích văn hóa. Động cơ của du khách khi đến một nơi mới nào đó có thể chỉ đơn giản là để nghỉ ngơi hay vì tò mò, nhưng trải nghiệm mà họ có khi đến nơi đó có thể rất khác lạ vì chắc chắn là họ sẽ được đặt trong một bối cảnh văn hóa với những thông điệp văn hóa đầy đủ hơn.
Ngay cả những du khách đang nghỉ ngơi trong những khu du lịch sang trọng, không có liên hệ gì với địa phương hay vùng mà khu du lịch đó tọa lạc, cũng đắm chìm trong một không gian văn hóa khác lạ, một trải nghiệm về sự khác lạ và đồng nhất. Thêm nữa, du lịch trong bối cảnh văn hóa theo nghĩa rộng là một quá trình hai chiều, với nhiều loại tương tác văn hóa khác nhau, có cái tích cực có cái tiêu cực, diễn ra theo cả hai hướng giữa du khách và cộng đồng địa phương.
Tuy nhiên, theo nghĩa cụ thể, du lịch có thể không được xem là một ngành công nghiệp văn hóa mà đúng hơn là một ngành sử dụng các sản phẩm của các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa như nghệ thuật biểu diễn, bảo tàng, phòng tranh, công trình di sản... Ở cấp độ địa phương hay vùng, những ngành công nghiệp văn hóa này có thể liên kết rất chặt chẽ với du lịch, cung cấp cho ngành công nghiệp du lịch nhiều sản phẩm; và đời sống kinh tế của những sản phẩm này ít nhiều phụ thuộc vào du khách.
Du lịch đại chúng, do chi phí thực tế cho du lịch quốc tế giảm và chi tiêu cho nghỉ ngơi của du khách tăng, đã dẫn đến sự mở rộng quy mô của cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ở nhiều nơi trên thế giới. Những tác động văn hóa của du lịch đại chúng là rất rõ ràng, từ áp lực phải tiếp đón quá nhiều du khách tại một công trình di sản đến những thiệt hại gây ra cho những giá trị văn hóa của cộng đồng địa phương nếu du khách thiếu ý thức.
Cũng theo nghĩa cụ thể, du lịch và văn hóa cùng song hành trong một thị trường ngách được biết đến như là “du lịch văn hóa”. Trong khi du lịch đại chúng có doanh số cao, chi phí thấp và cung cấp hàng hóa - dịch vụ theo gói, thì du lịch văn hóa có doanh số thấp, chi phí cao và phải phù hợp với nhu cầu cá nhân.
Những ví dụ điển hình về du lịch văn hóa là những chuyến thăm có mục đích (của cá nhân hay tập thể) đến những lễ hội hoặc công trình văn hóa, là những chuyến đi dài hơn được thiết kế xoay quanh một chủ đề văn hóa như thưởng thức opera, họp mặt hội văn chương, nghiên cứu sinh hoạt của cộng đồng địa phương, thăm những công trình kiến trúc, những phòng tranh nghệ thuật... Một số nhà quảng bá du lịch đã nhiệt tình ca ngợi du lịch văn hóa như là một hiện tượng mới, nhưng thực ra nó đã có từ lâu - chẳng hạn, Grand Tour châu Âu thế kỷ 19 là một hình thức du lịch văn hóa.
Trong tất cả loại hình du lịch được kể ở trên, du lịch văn hóa rõ ràng là có quan hệ gần gũi nhất với công nghiệp văn hóa của địa phương, với đời sống văn hóa và lối sống của cộng đồng địa phương đó.
Vấn đề chính yếu của du lịch văn hóa là sự xung đột có thể có giữa những lợi ích kinh tế mà du lịch mang lại và những giá trị văn hóa mà du lịch gây thiệt hại hoặc dựa vào. Do đó, các cơ quan khi đề xuất các chiến lược phát triển du lịch theo cách tối đa hóa lợi ích kinh tế từ việc mở rộng du lịch thì cũng cần phải cân nhắc đến các tác động văn hóa nếu họ muốn thành công.
Trong thực tế, khái niệm du lịch bền vững hiện nay đã được thiết lập vững chắc, chủ yếu nảy sinh từ những quan ngại về tác động của du lịch đối với môi trường. Và quả thật, quan niệm du lịch bền vững gắn liền với sự thân thiện môi trường là tương đồng với quan niệm du lịch bền vững gắn liền với sự tôn trọng văn hóa. Ràng buộc về môi trường và văn hóa như vậy trong phát triển du lịch là kỳ vọng ở du lịch cái ý thức về các giá trị địa phương, không xâm hại và hủy hoại các di tích. Thay vì tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn từ việc khai thác nhu cầu du lịch, cần nhắm đến việc bảo tồn và nâng cao sự thân thiện với môi trường và văn hóa, và đó phải là điều kiện đầu tiên thu hút du khách. Chiến lược phát triển du lịch bền vững nhắm đến các mục tiêu dài hạn như vậy là cần thiết để vừa nâng cao các giá trị văn hóa vừa đảm bảo các lợi ích kinh tế.
Theo Thesaigontimes