baner-open-tour
open tour

Sự thật đắng cay ngành du lịch?

. Trong khi các cấp, các ngành đang nỗ lực quảng bá hình ảnh du lịch nước nhà, trong khi nạn chặt chém trở thành “nỗi xấu hổi” của ngành Du lịch, thì họ - chính những người ăn “chung nồi cơm du lịch” lại tự đạp bỏ bát cơm của mình. Thật buồn.

Vâng, đó là câu chuyện được bàn luận nhiều nhất tuần qua. Hẳn nhiều người phải thở dài ngán ngẩm với những chủ hàng với những tờ hóa đơn thanh toán với giá từ trên trời rơi xuống. Trong khi các cấp, các ngành đang nỗ lực quảng bá hình ảnh du lịch nước nhà, trong khi nạn chặt chém trở thành “nỗi xấu hổi” của ngành Du lịch, thì họ - chính những người ăn “chung nồi cơm du lịch” lại tự đạp bỏ bát cơm của mình. Thật buồn.


 
Hóa đơn “chặt chém”

Chuyện là có đoàn khách nọ vào ăn cơm tại một nhà hàng ở TP Sầm Sơn (Thanh Hóa), trong  thực đơn có một con gà mà theo khách hàng thì nó khoảng 1,2kg. Khi tính tiền, quá ngạc nhiên vì con gà được tính với giá 600.000 đồng, khách hàng thắc mắc thì được chủ quán thủng thẳng trả lời: “Chém gì mà chém, ở đây chỗ nào cũng vậy. Nếu chém thì đã đi viện rồi”…

Ở một địa điểm du lịch khác là thành phố biển Nha Trang, đoàn khách của chủ nhân câu chuyện vào ăn hải sản tại một nhà hàng ở Làng Chài. Chị này gọi một số món và chọn một con cua buộc dây với cân nặng 1,2kg, đơn giá 350.000 đồng/kg. Nhưng khi nhân viên mang cua ra, chị thắc mắc vì sao con cua 1,2kg mà giờ lại thành con cua nhỏ xíu như vậy (chỉ còn 4 lạng) thì quản lý nhà hàng tỏ vẻ khó chịu nói rằng phần hao hụt là do dây buộc và do luộc nó hao đi?! Cuối cùng khách hàng đã phải chấp nhận trả giá 420.000 đồng cho một con cua 4 lạng.

Rồi nạn tính nhầm hóa đơn từ 2 triệu thành 4 triệu đồng, rồi chuyện khách du lịch nước ngoài ăn đêm với giá có 2,2 triệu mà bị quẹt thẻ lên đến 22 triệu đồng, cũng bị cho là nhầm. Vâng, lại nhầm, nhầm gì mà nhầm khủng khiếp như vậy?

Phải nói là trong những năm gần đây, sau khi nhận được quá nhiều phàn nàn của du khách về nạn “chặt chém” ở các điểm du lịch, thì các cấp, các ngành đã tích cực vào cuộc để hạn chế tình trạng này. Hầu tất các điểm du lịch đều có đường dây nóng nhận phản ánh những bức xúc của người dân về dịch vụ ở các khu du lịch. Nhiều nơi, chính quyền đã yêu cầu các nhà hàng, khách sạn phải niêm yết giá rõ ràng và phải bán đúng giá niêm yết. Nhưng…

Thế nhưng, lại phải nói thế nhưng. Hình như cái tư tưởng “chặt chém” đã ăn sâu vào máu những người kinh doanh chụp giật, chỉ nhắm đến cái lợi trước mắt. Trong kinh doanh dịch vụ, chắc hẳn hơn ai hết họ hiểu rằng, nếu một khách bước vào nhà hàng mà thái độ phục vụ kém, chất lượng thấp, giá thành cao thì sẽ không có lần thứ hai khách hàng quay trở lại. Vậy mà không hiểu sao họ vẫn bất chấp, dù biết với lối làm ăn ấy!

Năm này qua năm khác, cứ đến dịp cao điểm là bằng cách này hay cách khác, gần như tất cả các dịch vụ đều tăng giá bất thường, tàu xe tăng, nhà nghỉ khách sạn tăng, ăn uống tăng… Tăng đã đành, lại còn dùng đủ cách chiêu trò để “móc túi” khách hàng. Dù đó chỉ còn là số ít, thì vẫn “góp phần không nhỏ” làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam. Thật chẳng ở đâu như ta, hãy đi du lịch là đủ thứ lo lắng!


 
“Các đồng chí ngành du lịch thấy mình như thế nào?”

Theo kết quả điều tra năm 2014,  do Trung tâm Thông tin Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch Việt Nam thực hiện, 94% khách quốc tế đánh giá cao ngành Du lịch Việt Nam. Cùng với nhiều lời hay ý đẹp, những hình ảnh đặc sắc nhất thế giới ở Việt Nam được chiếu trên màn hình các nước phát triển cùng với lời ca ngợi của bạn bè đã cho thấy Việt Nam đã là một điểm không thể không đến của mọi người yêu du lịch trên thế giới. Nếu cứ theo các báo cáo và các bài báo được trả tiền thì quả đúng như vậy.

Nhưng có một sự thật khác, một sự thật đắng cay. Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 6-2015 chỉ có 529.000 lượt, giảm 8,2% so với tháng 5-2015 và là tháng thứ 15 lượng khách du lịch giảm. Nhưng khách nước ngoài giảm thì đó là việc của thế giới, nhưng những vụ đĩa thịt gà 600.000 đồng, con cua 4 lạng mà dây buộc 1kg… thì đã vào đến phiên họp Chính phủ tháng 6-2015 với một câu hỏi của Thủ tướng:  “Các đồng chí ngành Du lịch nghĩ mình như thế nào?”.

Chúng ta thử đi theo một khách du lịch ngoại quốc tới Việt Nam thì sẽ thấy vẫn còn rất nhiều câu hỏi cho ngành Du lịch. Để đến Việt Nam du lịch, trước hết phải lo cái thị thưc nhập cảnh đã, trong khi Singapore đã miễn thị thực cho công dân của hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ; Malaysia miễn thị thực nhập cảnh cho công dân của 155 quốc gia và vùng lãnh thổ; Thái Lan áp dụng miễn thị thực cho công dân của 55 nước, cấp thị thực tại cửa khẩu cho công dân 28 nước tại 24 cửa khẩu; Thái Lan và Campuchia đã hợp tác thực hiện chính sách thị thực chung. Còn Việt Nam thì đến cuối tháng 6-2015 mới miễn thị thực cho khách du lịch 7 nước và sang tháng 7 sẽ miễn thêm 6 nước nữa, mà giá của dịch vụ thị thực đâu có rẻ.  Chi phí cho mỗi lần xin là 28USD đến 50USD (500.000 đồng đến 1 triệu đồng) tùy vào loại thị thực và phải chờ 3 ngày đến 1 tuần.

 Xuống đến sân bay, chờ đợi bạn đến đón, ngắm nghía cái đất nước lạ lẫm này, tiện thể gọi một bát phở để biết quê hương của phở làm phở ra sao. Lạy chúa, bát phở nhạt và nguội như vừa hứng ở vòi ra. Đã đành là không ngon, nhưng quả thật, bát phở lèo tèo ấy mà dám ra tay lấy của khách 5USD thì chỉ có ở Việt Nam. Nhưng không chỉ phở, cái gì trong sân bay đều bán đắt như vàng mười. Đất nước chúng ta đã đón tiếp quý khách và tạo ấn tượng ban đầu với quý khách như vậy sao hỡi ngành du lịch. 

Đấy là còn chưa nói đến chuyện mời chào, chèo kéo, đeo bám mỗi khi khách du lịch… xuống phố, và bị “chém đẹp” tại các địa điểm du là chuyện bình thường. Những người làm du lịch tại sao họ không chịu hiểu rằng cái khó chịu nó tiêu diệt mọi ham muốn khám phá đất nước tươi đẹp này. Và khách du lịch đến Việt Nam sẽ mang theo nỗi ám ảnh với suy nghĩ “một đi không trở lại”.

Và sự vừa lòng đáng xấu hổ

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tình hình khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục giảm sút nghiêm trọng. Tính chung 6 tháng đầu năm ước đạt 3,8 triệu lượt khách, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Khách đến từ các thị trường đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, khách đến từ châu Á (chiếm tỷ trọng 66,4%) giảm 11,8% (Campuchia giảm 41,6%; Thái Lan giảm 29,8%; Trung Quốc giảm 28,3%; Indonesia giảm 21,3%;...). Khách đến từ châu Âu (chiếm tỷ trọng 15,5%) giảm 6,4%; trong đó, Nga giảm 13%; Pháp giảm 6,3%;... Tăng trưởng du lịch của Việt Nam kém xa Lào, Campuchia, Myanmar…

Trao đổi bên hành lang Quốc hội về chuyện khách du lịch giảm mạnh thời gian qua, ngành Du lịch đang “tắc” hướng tháo gỡ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra 6 nỗi sợ của du khách khi đến Việt Nam. Thứ nhất, đó là nạn làm giá, chặt chém hoành hành. Thứ hai là nỗi sợ về an toàn giao thông. Thứ ba là tình trạng ăn xin và ăn cắp vặt, nhất là những người giả ăn xin và có cảnh thê lương đến mức làm người ta thấy ám ảnh. Thứ tư là vệ sinh an toàn thực phẩm. Thứ năm là vệ sinh môi trường và cuối cùng người Việt ta tuy cơ bản rất mến khách nhưng cũng có những nơi, có người không thể hiện sự tôn trọng khách.

Tuy nhiên, mọi người hãy yên tâm. Cũng mới đây, đánh giá thực trạng suy giảm mạnh khách du lịch đến Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn văn Tuấn đã nhận định: Sự suy giảm này chủ yếu là do khách quan, do tình hình thế giới có nhiều biến động. Tổng cục Du lịch đã khẳng định: 94% khách du lịch hoàn toàn vừa lòng với du lịch Việt nam, chỉ có 0,22% khách chưa được vừa lòng. Tuyệt vời lòng hiếu khách Việt Nam. Nhưng, giữa hai ý kiến, một vị Phó Thủ tướng và một vị “tư lệnh ngành”, chúng ta tin ai? Cá nhân tôi thì rất nghi ngờ cái con số 94% kia lắm.