baner-open-tour
open tour

Khám Phá văn hoá người Cơ Tu ở Đà Nẵng

Người Cơ Tu làm hồi sinh du lịch ở Đà Nẵng

 

Nét văn hóa quyến rũ của người Cơ Tu vùng thấp ở Đà Nẵng sau bao năm mai một đang đứng trước cơ hội hồi sinh, khi người địa phương bắt tay “làm” du lịch.

Hồi sinh văn hóa bản địa

Sau nhiều lần, chúng tôi mới có dịp gặp ông Đinh Văn Như, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Giàn Bí, để hỏi về mô hình homestay đầu tiên ở xã miền núi Hòa Bắc, H.Hòa Vang. Những ngày này, ở 2 thôn Giàn Bí và Tà Lang, người ta đang tất bật sửa lại 2 nhà gươl (nhà cộng đồng Cơ Tu) chuẩn bị đón khách. 

Khu lưu trú thơ mộng trong rừng tre của ông Như

Khu lưu trú thơ mộng trong rừng tre của ông Như

 
“Thai nghén nhiều năm, giờ này có thể nói rằng văn hóa bản địa người Cơ Tu có thể hồi sinh và phô ra với bạn bè thập phương”, ông Như mở đầu câu chuyện. Ông bảo, trời phú cho mảnh đất Hòa Bắc (cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 30 km về phía tây) vô vàn cảnh đẹp. Khoảng 250 hộ Cơ Tu quần cư, nhưng rồi văn hóa bản địa dần mai một do sinh kế. Các điệu hát lý, các bài đánh cồng chiêng, điệu múa tâng tung da dá… ít người còn nhớ. Những nghề đan lát, dệt thổ cẩm… cũng mất hút.
 
Tháng 9.2018, chính quyền H.Hòa Vang thành lập Tổ hợp tác du lịch cộng đồng sinh thái 2 thôn Giàn Bí, Tà Lang. Ông Như được bầu làm tổ trưởng và bắt tay khôi phục “từng tí một”. Ông Trương Như Huy, cán bộ văn hóa xã, kể việc đầu tiên mà mọi người nghĩ đến chính là trang phục. Trong thôn, hiếm hoi lắm mới có một bộ đồ thổ cẩm, là của các già làng. Thế rồi chiếc áo thổ cẩm với nhiều hoa văn đặc trưng được đưa vào trường học. Gần 120 bộ đồ thổ cẩm được học sinh tiểu học mặc đến trường. Thấy các em nâng niu, những người làm văn hóa tiếp tục vận động thêm 70 bộ đồ cho học sinh THCS. 

Phụ nữ Cơ Tu đã tự làm ra sản phẩm truyền thống để bán cho du khách

Phụ nữ Cơ Tu đã tự làm ra sản phẩm truyền thống để bán cho du khách

 
Qua rồi những ngày đầu gian nan. Năm 2017, UBND H.Hòa Vang thậm chí mua cồng chiêng tặng những thôn không có. Với những ngành nghề thủ công mất dấu, như dệt may, ông Huy và ông Như đứng ra vận động 20 chị em học nghề. UBND xã cũng thuê khách sạn, “bao” tiền ăn cho phụ nữ Cơ Tu xuống phố đi học may gia công đồ lưu niệm, trang phục… 

 

Người “mở đường” 

Là người Cơ Tu sinh ra và lớn lên bên dòng Cu Đê, ông Đinh Văn Như hiểu rõ cộng đồng của mình ngại thay đổi, nhất là trong chuyện làm kinh tế. Khi cấp trên đưa mô hình du lịch sinh thái cộng đồng về, ông đã vất vả vận động. Ông bảo, cư dân bản địa vốn quen chân qua những cánh rừng, đồi nương… Nghe “thằng Như” làm homestay đón khách nước ngoài về ở, già làng Bùi Văn Siêng thở dài: “tao sợ nó đi tù mất thôi!”. Ngay vợ và mẹ của ông Như cũng ngăn cản. Nhưng ông vẫn quyết làm.

Người Cơ Tu (Hòa Bắc) trình diễn hát múa tạo sự chú ý của du khách

Người Cơ Tu (Hòa Bắc) trình diễn hát múa tạo sự chú ý của du khách 

 
Năm ngoái, gia đình ông chỉ dựng 5 chòi lá ven suối, ấy thế mà có đến 300 đoàn khách về thăm thú. Nhiều người trong thôn nhờ thế mà bán được mớ rau rừng, con gà, con cá… Du khách thích thú vì được tắm suối, ăn những món Cơ Tu dân dã và dọ hỏi ông có cách gì để ở lại qua đêm, đốt lửa trại. Ông Như tiếc lắm. Nhưng nhà cửa, giường chiếu không có, sao đón khách? “Nhỡ họ ở lại có việc gì thì không hết tội với Yàng. Nhận thấy khách tự phát đông, tôi xin ý kiến của xã, huyện. Được sự ủng hộ, tôi mạnh dạn làm phương án vừa bảo tồn văn hóa, vừa làm du lịch”, ông kể.
 
Cái “cơ sở” mà ông Như tin là sẽ hấp dẫn du khách khi đi du lịch Đà Nẵng, chính là bản sắc văn hóa Cơ Tu đặc sắc, là cảnh đẹp thiên nhiên hiếm có với những cái tên như suối Mơ, vũng Bột, khe Đương. Và cả bài học mà ông “gom” được từ những chuyến ra bắc “quan sát” người Mông, người Thái làm du lịch. Nhưng ông cũng lo vì ở làng này, từ xưa tới giờ chưa ai vay quá… 50 triệu đồng, chứ nói gì đến khoản vay gấp 10 lần như ông đang “liều”. Già Siêng từng nói “thằng Như bị con ma ám”. Vợ ông cật vấn “Khách nào lên trên núi này?”. Hết cách, ông nói “cứng”: “Không thành công thì… mình làm nhà để ở”. 
 
Ông Trương Thanh Nhân, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, cho biết địa phương cử chuyên gia hỗ trợ xây dựng homestay và hỗ trợ khoản vay không lãi để ông Như yên tâm làm thí điểm. “Anh Như là người tiên phong mở đường cho mô hình này nên sẽ có những khó khăn. Nhưng với lượng khách đổ về như hiện nay, mô hình của anh sẽ khởi sắc”, ông Nhân nói.