baner-open-tour
open tour

Lạ kỳ tiếng Việt đó đây - Kì 1: Làng xứ Quảng nói giọng...Sài Gòn

Dưới chân núi Hòn Tàu (Quảng Nam), làng Lộc Đại (xã Quế Hiệp, H.Quế Sơn), ẩn chứa “bí mật” chưa lý giải được: hàng trăm hộ dân từ nhỏ đến lớn đều nói giọng... Sài Gòn.
 

Nhờ có giọng thật độc đáo mà Lộc Đại còn có tên gọi làng Sài Gòn 2 ở Quảng Nam - Ảnh: Quỳnh Trân

Nhờ có giọng thật độc đáo mà Lộc Đại còn có tên gọi làng Sài Gòn 2 ở Quảng Nam - Ảnh: Quỳnh Trân
 
Theo chân chị Trần Thị Ngọc Hải (cán bộ văn hóa - thông tin xã Quế Hiệp), chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Xuân Hồng (72 tuổi), một trong những người cao niên còn sống tại đây. Ông Hồng cho biết: “Hồi trước, làng Lộc Đại hoang vu, rừng thiêng nước độc lắm nên còn có tên gọi là Khe nứa xứ (tức vùng có khe nước chảy qua, trên bờ cây nứa, cỏ dại mọc um tùm).
Từ thời vua Lê Thánh Tông đã có một số cư dân Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh từ phía bắc vào đây khai hoang lập ấp. “Đặc sản” nơi đây là giọng nói độc đáo, có một không hai của làng, khi gần hết mọi người trong làng đều phát âm giọng như người miền Nam, giống đến mức các làng bên phải gọi là làng Sài Gòn 2 cho dễ nhận biết”.
 
Cách một cánh đồng nhưng giọng nói khác hẳn
 
Ở xã Quế Hiệp có tất cả 5 thôn: Nghi Trung, Nghi Hạ nói theo kiểu xứ Quảng: răng, rứa; Nghi Sơn có phần nhẹ hơn; Nghi Thượng ngôn ngữ: mô, tê thì ở làng Lộc Đại lại có giọng rất “Sài Gòn”. Ví dụ: Người tại Quế Sơn hay nói: Anh làm chi đó, chú ở mô rứa hoặc đi mô rứa cô?... thì dân làng Lộc Đại hỏi khác: Anh làm gì đó? Chú ở đâu đó? Cô đi đâu đó? Các vần âm ao, thường người Quảng Nam đọc thành ô, như “bô gộ”, “nấu chố”, “thể dục thể thô”, “Trần Hưng Độ”, “chu đố”... còn dân làng Lộc Đại lại phát âm theo giọng miền Nam: bao gạo, nấu cháo, thể dục thể thao, Trần Hưng Đạo, chu đáo...
 
Ông Nguyễn Hữu Vàng (60 tuổi, ở làng Lộc Đại) cho biết: “Tộc Nguyễn Hữu của tôi theo sử sách lưu truyền có đến 3 ông từ Nghệ An vào đây “an cư”. Điều thật lạ là chỉ có người trong làng tôi nói được giọng gần giống với người Sài Gòn, còn các vùng bên dù chỉ cách nhau một cánh đồng vẫn nói đặc sệt tiếng Quảng. Nhiều cháu bây giờ đi học lưu lạc khắp nơi nhưng ở đâu, làm gì về làng vẫn phải nói cho bằng được giọng Sài Gòn. Chúng tôi luôn răn dạy con cháu phải cố mà giữ lấy phần tài sản văn hóa vô giá này, không để cho chúng mai một được”.
 
Gặp chúng tôi, em Nguyễn Hữu Quang (học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Quế Sơn) hồn nhiên khoe: “Từ làng ra trung tâm huyện lỵ đi học, thầy giáo, bạn bè ai cũng khen em có tiếng nói hay, trong trẻo, “chuẩn” như người Sài Gòn khiến em rất vui và tự hào. Dù có thế nào em cũng không thể “lai” tạo giọng nói nào khác được”.
 
Cần nghiên cứu
 
Là một cây bút có nhiều cuốn sách viết về Quảng Nam, nhà báo Vũ Đức Sao Biển cho biết từ lâu ông rất lấy làm lạ khi giọng nói ở vùng Lộc Đại giống với người Sài Gòn, một đặc trưng không lẫn vào đâu được ở đây và cũng mong có điều kiện để tìm hiểu. “Đây là một vốn cổ quý giá. Cả một làng có chung một giọng nói lại “chuẩn” nữa thì quá độc đáo.Trong khi tự trong cộng đồng, người dân đã biết trân trọng gìn giữ giọng nói thì nhà nước cũng phải nhanh chóng có kế hoạch bảo tồn và hóa giải hiện tượng độc đáo có một không hai ở vùng đất bán sơn địa này”, nhà báo Vũ Đức Sao Biển nói.
 
Ông Nguyễn Xuân Hồng khẳng định tiếng Sài Gòn mà làng ông có được là do dòng nước đầu nguồn quá đặc biệtÔng Nguyễn Xuân Hồng khẳng định tiếng Sài Gòn mà làng ông có được là do dòng nước đầu nguồn quá đặc biệt
 
Bà Trần Thị Tài (xã Quế Hiệp) khoe mỗi lúc vào TP.HCM, mọi người cứ tưởng bà sống ở... Đồng Nai, Bình Dương nên rất muốn các nhà nghiên cứu cần làm rõ để có thể giải đáp khi có ai thắc mắc.
 
Trong khi chờ đợi sự lý giải, người dân trong làng đều bám vào lý do địa thế sông núi cách biệt. “Có lẽ ở vùng bán sơn địa nên sự giao thoa ngôn ngữ hầu như rất ít, vì vậy người dân giữ gìn được bản sắc, đồng thời dòng suối Tiên trong vắt hiền hòa nơi đầu nguồn có “cấu tạo” đặc biệt để cộng đồng cùng uống, đã tạo cho cả làng có giọng Sài Gòn độc đáo”, ông Nguyễn Xuân Hồng khẳng định.
 
Nhà báo Trương Vũ Quỳnh (Đà Nẵng) cho rằng: “Theo tôi, cần có một khảo sát thực sự quy mô dưới góc nhìn của những nhà làm ngôn ngữ về sự biến âm, dị âm và những quy luật của ngữ âm, trên cơ sở tiếng Quảng các vùng miền để từ đó tìm ra sự khác biệt, mới lý giải thuyết phục được. Lâu nay, chúng ta chỉ mới dừng lại xem xét ở mức độ tìm hiểu như hiện tượng ngôn ngữ thú vị mà chưa có sự đầu tư bài bản, có hiểu biết”.
 
Chưa giải mã được
Ông Hà Phước Trinh, Bí thư H.Quế Sơn (Quảng Nam), cho biết: “Trước đây, UBND H.Quế Sơn có tiếp đoàn chuyên gia về ngôn ngữ ở T.Ư về khảo sát, tìm hiểu trong nhân dân hàng tháng trời nhưng sau đó không thấy quay trở lại.
Đứng về phía lãnh đạo địa phương, chúng tôi rất mong câu chuyện về làng Sài Gòn 2 sớm được giải mã để làm sáng tỏ được nguồn gốc ngôn ngữ tại đây và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đoàn đến làm việc, nghiên cứu”.

Lạ kỳ tiếng Việt đó đây - Kì 1: Làng xứ Quảng nói giọng...Sài Gòn

Lạ kỳ tiếng Việt đó đây - Kì 2: Làng Huế nói giọng...Quảng

Lạ kỳ tiếng Việt đó đây - Kì 3: Làng nói tiếng kỳ lạ

Lạ kỳ tiếng Việt đó đây - Kì 4: Làng Nghệ nói "tiếng Nghi"