Lễ hội cầu thần mưa không chỉ quan trọng với người Gia Rai (Kon Tum) mà còn cả cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên. Trước khi làm lễ, mọi người trong làng chuẩn bị sẵn các vật tế như heo, gà, ghè rượu...
Lễ được tổ chức tại một bến nước (thường là con suối gần làng), người dân đã dọn dẹp sạch sẽ và chuẩn bị một cây nêu. Hội đồng già làng chọn ra một thanh niên trai tráng để cột cùng với vật hiến tế (thường là một con gà trống) và làm lễ.
Trong khi già làng khấn thông báo và cầu mong thần linh cho hạt mưa to, mọi người tập trung tát nước vào con gà và người thanh niên được chọn.
Phần lễ tát nước kết thúc, cả làng trở về nhà Rông để làm lễ tạ ơn thần linh. Một cây nêu và ghè rượu khác có đặt bên trên là gan gà và tiết heo đã sẵn sàng, già làng khấn mời rượu các thần linh.
Sau đó, tất cả cùng hô to và thanh niên trai tráng trong làng quây quần để thưởng thức rượu thiêng do thần linh ban cho.
Xong xuôi các thủ tục, già trẻ gái trai trong làng đều đổ ra sân trước nhà Rông và tổ chức ăn mừng, ca múa rộn ràng.
Những chàng trai, cô gái Gia Rai vui mừng nhảy múa trong tiếng cồng chiêng, trống tưng bừng. Họ thể hiện các điệu múa truyền thống với một niềm tin thành kính.
Không chỉ cầu khấn trời cho hạt mưa to để việc trồng trọt và sinh hoạt hàng ngày được suôn sẻ, người Gia Rai còn mong các thần linh phù hộ dân làng luôn có sức khỏe cường tráng. Tháng 4 và 5 là thời điểm được chọn để tổ chức lễ hội này.
Lễ cầu mưa kết thúc bằng màn chiêng trống, múa hát rộn ràng của đông đảo bà con. Mọi người vui tiệc rượu và hát ca đến khi mặt trời xuống núi, rượu nhạt, người say, dần dần dân làng trở về nhà nghỉ ngơi.