cầu vượt ngã ba huế
Thong thả bước lên cầu, ngắm nhìn bốn hướng từ đỉnh cầu, thấy lòng lâng lâng, thanh thản... một người bạn làm ở lĩnh vực kiến trúc, khá am hiểu về công trình này, nói với tôi: "Phương án kiến trúc được phê duyệt của nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế trên nền văn hóa của người Chăm cổ xưa ở vùng đất Đà Nẵng. Ý tưởng kiến trúc tổng thể của nút giao thông này gồm trụ tháp hình parapol và vòng xuyến tròn bao quanh, hình dáng cách điệu cho biểu tượng Linga và Yoni của Thần Silva (chúa tể của muôn loài), tượng trưng cho sức sống và sức sáng tạo mãnh liệt của nhân loại". Ai cũng thấy kiến trúc cầu quá đẹp nhưng để rõ hơn ý tưởng này quả là điều không dễ...
Bác Ngô Xuân, trú P.Mân Thái, Q.Sơn Trà, đã 80 tuổi nhưng vẫn yêu cầu cô con gái đưa đi tham quan cầu trong buổi sáng đầu tiên, tâm sự: "Dù không được khỏe nhưng khi nghe thông tin cho người dân tham quan cầu vượt, tôi phải đi cho được. Thành phố mình ngày càng đẹp ra, hấp dẫn hẳn lên không chỉ đối với người dân địa phương mà cả trong lòng du khách trong và ngoài nước. Bởi vậy, có thêm công trình cầu vượt này là chúng ta thêm tự hào với bạn bè khắp nơi". Bác Xuân còn khoe với tôi bức ảnh vừa chụp chung với con gái ngay trên đỉnh cầu. Anh Nguyễn Văn Phùng, 58 tuổi, trú P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, bày tỏ: "Nói thật với anh là quá đẹp, quá hoành tráng. Làm nghề xây dựng hơn 25 năm nay nhưng lần đầu tiên tôi mới thấy công trình xây dựng với tốc độ rất nhanh, đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật. Thật tự hào khi thành phố mình có thêm một công trình xây dựng dân sinh tầm cỡ như thế này"...
Dõi mắt theo tốp học sinh khăn quàng đỏ chạy nhảy tung tăng trên mặt cầu như đàn bướm nhỏ giữa trời xuân, thầy giáo Nguyễn Thế Quyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Cao Vân, Q.Thanh Khê cho biết: "Trường đã hợp đồng xe tổ chức cho gần 1.800 HS khối lớp 3,4,5 đi tham quan cầu vượt. Tôi nghĩ rằng, thành phố của mình ngày càng phát triển, nhiều công trình mới mọc lên. Ai cũng vinh dự về điều này, nhưng để các em yêu hơn thành phố mình đang sống thì phải cho các em tham quan thực tế. Đó chính là mục đích của lần tham quan này".
Nhiều người dân khác tôi gặp trên công trình như ông Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Văn Nhồng, ở đường Lê Duẩn; thầy giáo Nguyễn Minh Hải, Bí thư Đoàn Trường TH Trần Cao Vân; Trần Công Hiên, ở đường Điện Biên Phủ... đều rất tự hào và cho rằng, nút giao thông này đưa vào khai thác sẽ mở ra cho Đà Nẵng sự phát triển mới trên con đường huyết mạch Bắc-Nam và là cửa ngõ ra vào thành phố-nơi một thời từng là nhân chứng lịch sử quan trọng cho những sự kiện liên quan đến giải phóng Đà Nẵng cũng như trên suốt chặng đường chiến đấu, xây dựng và trưởng thành.
Ông Nguyễn Văn Đệ, ở tổ 132, P.Thanh Khê Tây, Q.Thanh Khê nhận xét: "Công trình này về đích sớm đã thể hiện rất rõ sự đồng thuận xã hội; một nét đẹp rất nhân văn, đặc trưng của người dân Đà Nẵng trong công tác giải phóng mặt bằng, di dời, giải tỏa để xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Điều đó thể hiện rất rõ khi hơn 200 hộ dân 3 quận Thanh Khê, Cẩm Lệ, Liên Chiểu đã đồng lòng để công trình sớm về đích. Đây còn là công trình có ý nghĩa về mặt xã hội khi góp phần giải quyết được "điểm đen" về TNGT".