Buổi họp báo công bố thông tin và kế hoạch hành động “Đà Nẵng - Điểm đến nổi bật nhất năm 2015” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Đà Nẵng tổ chức sáng 15/12 cho thấy những kế hoạch mới của ngành để Đà Nẵng thật sự là một điểm đến “mới nổi, hấp dẫn” trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
Điểm sáng của du lịch Việt Nam Năm 2014, ngành du lịch Đà Nẵng đạt được những thành quả đáng kể khi một loạt các khu nghỉ dưỡng, nghỉ mát liên tục đoạt các giải thưởng quốc tế như Furama Resort, Fusion Maia Resort, Pullman Danang Beach Resort, Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort… Gần đây nhất, trang mạng uy tín của Mỹ chuyên tư vấn về những địa điểm du lịch đáng chú ý trên thế giới TripAdvisor chọn Đà Nẵng là vị trí dẫn đầu trong top 10 điểm mới nổi sáng giá nhất thế giới cho năm 2015. Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng cho biết, những sự kiện, danh hiệu trên đánh dấu sự phát triển tích cực của ngành du lịch Đà Nẵng trong năm 2014; để phát huy những thành quả đó, ngành du lịch thành phố sẽ triển khai các hoạt động truyền thông, khai thác thông điệp “Đà Nẵng-Điểm đến mới nổi nhất thế giới” làm dấu ấn riêng. Bên cạnh đó, ngành sẽ tiếp thu ý kiến của cộng đồng du lịch thông qua các mạng xã hội để cải thiện chất lượng dịch vụ điểm đến Đà Nẵng. Trước thành quả của Đà Nẵng, ông Guillaume Van Grinsven, chuyên gia du lịch Hà Lan (khoa Du lịch, Trường Đại học Duy Tân) đánh giá, việc dẫn đầu 10 điểm đến mới nổi 2015 là hơi sớm so với một thành phố du lịch trẻ như Đà Nẵng. Tuy nhiên, giải thưởng này sẽ là bệ phóng để thành phố Đà Nẵng tiếp tục vươn cao, vươn xa hơn nữa trong tương lai. Ông cũng hy vọng cộng đồng du lịch, các đơn vị lữ hành có sự liên kết với nhau chặt chẽ hơn và cần có thêm nhiều kênh thông tin để phối hợp, quảng bá sự kiện này với bạn bè thế giới. Đà Nẵng cũng cần có một kế hoạch, quy hoạch tổng thể trong 5/10 năm nữa để Đà Nẵng xứng đáng là điểm đến trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Đồng quan điểm này, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch cho rằng, kết quả bình chọn này sẽ là thách thức lớn dành cho Đà Nẵng bởi đạt được giải thưởng rồi thì những năm sau trách nhiệm to lớn của Đà Nẵng là phải làm sao để du khách đến Đà Nẵng không thất vọng; phải làm sao để Đà Nẵng vừa là địa danh, vừa là điểm đến và tạo được thương hiệu riêng của Đà Nẵng. “Thành công của Đà Nẵng không chỉ là thương hiệu mà còn là sự hứng khởi, hài lòng của du khách khi đến với Đà Nẵng, là người dân và doanh nghiệp địa phương được hưởng từ chính ngành du lịch mang lại”, ông Lê Tuấn Anh nhấn mạnh. Cần tăng cường công tác truyền thông Năm 2014, cả nước đón khoảng 8 triệu khách nước ngoài, trong khi Đà Nẵng đón gần 1 triệu lượt khách nước ngoài, tăng 4 lần so với cách đây 5 năm nhưng con số này vẫn còn ít so với tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng như đơn vị truyền thông cho rằng, bên cạnh khách quốc tế, du khách nội địa (năm 2014 đạt 2,9 triệu lượt, tăng 19,8% so với 2013) đến với Đà Nẵng hết sức quan trọng nhưng nhiều du khách biết đến Huế, Hội An nhiều hơn là Đà Nẵng; vì vậy ngành du lịch Đà Nẵng nên đầu tư truyền thông tốt hơn nữa ở hai đầu đất nước để khách hiểu rõ hơn về tiềm năng của Đà Nẵng. Ngoài ra, thành phố cũng nên quan tâm đầu tư đến những sản phẩm văn hóa truyền thống độc đáo của riêng mình, đơn cử như Bảo tàng Đà Nẵng nằm ngay trong thành Điện Hải nhưng rất ít khách tới xem, hay hoạt động về đêm của Đà Nẵng cũng ít sôi động… Được biết, ngoài những sản phẩm du lịch đã được triển khai và đưa vào sử dụng năm 2014, năm 2015 thành phố sẽ tiếp tục đầu tư vào các sản phẩm du lịch mới, có sức cạnh tranh cao để tạo điểm khác biệt, các sản phẩm du lịch về đêm, dịch vụ giải trí cho du khách như: Trung tâm giải trí phức hợp Helio vào tháng 2/2015, hệ thống tàu điện trên cao Monorail của Công viên châu Á (quý 1/2015), khai trương chợ đêm sông Hàn, khu phố chuyên doanh thời trang mua sắm tại đường Lê Duẩn… Để tiếp tục giữ vững được thương hiệu của mình trong thời gian đến, theo ông Ngô Quang Vinh, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ xúc tiến, quảng bá du lịch, khai thác thị trường khách nội địa 2 đầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mở rộng thị trường khách Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ), đồng bằng Bắc Bộ (Ninh Bình, Hải Phòng, Hải Dương…), đẩy mạnh khai thác thị trường khách nước ngoài trọng điểm thông qua các đường bay quốc tế trực tiếp như Đông Bắc Á, các nước ASEAN, Úc, châu Âu… Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung nâng cao nguồn nhân lực du lịch thông qua việc triển khai kế hoạch nguồn nhân lực 2013-2015, phát huy vai trò của hiệp hội trong lĩnh vực du lịch, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch để nâng tỷ lệ số lao động trong ngành du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch năm 2015 lên 60-65%, bổ sung lực lượng hướng dẫn viên các thị trường đang còn thiếu như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Đồng thời chú trọng đảm bảo tốt môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, tăng cường xử lý dứt điểm tình trạng đeo bám, chèo kéo tại các khu vực trọng điểm để Đà Nẵng luôn là điểm sáng của ngành du lịch Việt Nam và là điểm đến an toàn, thân thiện trong lòng du khách./. |