baner-open-tour
open tour

Tầm nhìn du lịch Quảng Ninh đến năm 2020

Tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện kế hoạch đầy tham vọng để khai thác “viên ngọc du lịch” nhằm mục tiêu thu về 1,5 tỷ USD từ ngành công nghiệp không khói vào năm 2020.

“Nồi cơm” chính nuôi sống Quảng Ninh từ trước đến nay là khai thác than, nhiệt điện và sản xuất xi măng. Tuy nhiên, các ngành công nghiệp này đặt ra thách thức rất lớn về ô nhiễm môi trường. Vì thế, Quảng Ninh đã chuyển đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”, bớt dựa vào tài nguyên hữu hạn như than đá, mà phát huy những giá trị lâu dài như dịch vụ - du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Để đạt được mục tiêu này, Quảng Ninh đang áp dụng những chính sách ưu đãi nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn phục vụ du lịch, đồng thời, tỉnh cũng tiến hành giải quyết các mâu thuẫn giữa phát triển dịch vụ du lịch và công nghiệp.

Thực tế, phát triển song hành du lịch và công nghiệp luôn là bài toán khó với Quảng Ninh. Càng phát triển công nghiệp thì môi trường càng ô nhiễm, gây khó khăn cho phát triển du lịch. Để phát triển du lịch đòi hỏi phải đảm bảo môi trường xanh, sạch đẹp. Trong khi khai thác than, sản xuất nhiệt điện, xi măng là trụ cột kinh tế của tỉnh thì việc xử lý cặp mâu thuẫn này càng khó.

Nhưng với định hướng tái cơ cấu kinh tế, Quảng Ninh quyết tâm “mài dũa” để “viên ngọc du lịch” tỏa sáng. Bên cạnh việc thu hút các dự án đầu tư vào du lịch, bảo vệ môi trường khỏi nguy cơ bị ô nhiễm là hành động thiết thực để góp phần chuyển đổi mô hình từ “nâu” sang “xanh”.

Một trong những vấn đề mà du khách phàn nàn là, Hạ Long là thành phố biển mà lại không có bãi tắm!? Nghe thì có vẻ nghịch lý nhưng lại… có lý. Thành phố Hạ Long từng nổi tiếng với bãi tắm Bãi Cháy thường chật kín du khách vào mùa hè, Nhưng bây giờ, không ít du khách ngại tắm vì sợ… bẩn. Nguyên nhân là do môi trường nước của bãi tắm bị ô nhiễm do nước thải từ khu du lịch Bãi Cháy xả trực tiếp xuống biển.

Thực tế, nước thải của hàng trăm khách sạn với tổng số hơn 5.000 phòng khách sạn, các nhà hàng và khu dân cư tại Bãi Cháy đã tạo sức ép rất lớn đến môi trường Vịnh Hạ Long nói chung và bãi tắm Bãi Cháy nói riêng. Để bảo vệ môi trường khu vực này, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng thế giới. Theo đó, nước thải từ khu vực Bãi Cháy được thu gom tại 8 trạm bơm tự động và đưa về Trạm xử lý.

Tuy vậy, theo tính toán, khu vực Bãi Cháy có tổng lưu lượng nước thải lên đến gần 10.000m3/ngày đêm, nhưng lại chỉ có khoảng 35% nước thải được thu gom về Trạm xử lý. Tại khu vực này, có 9 cửa xả trực tiếp và rất nhiều cửa xả ngầm từ các khách sạn, nhà hàng ở khu vực lân cận mà chính quyền địa phương không kiểm soát được. Vì thế, bãi tắm bị ảnh hưởng trầm trọng bởi lượng nước thải không được thu gom.

 

Trước trực trạng này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao cho Sun Group thực hiện cải tạo bãi tắm Bãi Cháy thành bãi tắm cộng đồng chất lượng cao nhằm tăng sức hấp dẫn cho du lịch Quảng Ninh ngay trong mùa hè này. Sun Group trực tiếp tham gia xử lý gần 1km chiều dài bờ biển bị ô nhiễm nhằm tạo nên một bãi tắm công cộng. Công tác này không hề dễ dàng vì ngoài yêu cầu xử lý nước thải còn phải nâng cấp chất lượng cát. Cát sử dụng để cải tạo bãi tắm được vận chuyền từ Vân Đồn, trong đó, để san lấp 100 mét chiều sẽ cần tới gần 400.000m3 cát hạt thô và 50.000m3 cát trắng bãi tắm.

Cùng lúc, Sun Group thiết kế hệ thống thu gom toàn bộ hệ thống nước thải bằng cách xây dựng các hố ga, các tuyến cống tự chảy, giếng tách lưu lượng, cải tạo các trạm bơm nước thải hiện có nằm trong dự án để đưa toàn bộ nước thải về Trạm xử lý nước thải Bãi Cháy.

Hiện nay, Sun Group đang huy động đội ngũ khoảng 1.000 lao động để đẩy nhanh tiến độ thi công cải tạo bãi tắm Bãi Cháy nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân địa phương và du khách dịp hè sắp tới. Sau khi việc cải tạo hoàn thành, đây sẽ là một bãi tắm cộng đồng đạt tiêu chuẩn 5 sao, có khả năng đáp ứng được 10.000 người/ngày. Theo đó, SunGroup sẽ hoàn thiện 300 m chiều dài bãi tắm để phục vụ du khách dịp khởi đầu mùa du lịch Hạ Long - 30.4. Đến tháng 6/2015, SunGroup sẽ hoàn tất toàn bộ dự án để đưa vào khai thác 900m bãi tắm cộng đồng chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh môi trường; có bãi cát đẹp, có lực lượng cứu hộ, cứu nạn ứng trực và có đầy đủ các dịch vụ cho một bãi tắm hiện đại...

Nỗ lực làm mới ngành du lịch bằng đổi mới tư duy, tỉnh Quảng Ninh cũng tiến hành một loạt các biện pháp thiết thực nhằm cải tạo và bảo vệ môi trường. Tỉnh đang đề xuất Bộ Xây dựng dừng việc triển khai giai đoạn 2 của Nhà máy xi măng Thăng Long và Hạ Long. Về lâu dài, tỉnh đã tính đến việc di chuyển các nhà máy gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm cho vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang ráo riết tổ chức thực hiện các dự án thu gom rác thải và di chuyển làng chài trên Vịnh Hạ Long.