Ngày 2/10, nhà sáng chế Phan Đình Phương, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty CP KHCN An Sinh Xanh mà Infonet vừa đề cập cách đây vài hôm cho hay, ông cùng hai cộng sự là thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Tươi và cử nhân Trần Thị Huế vừa trình UBND TP Đà Nẵng đề án về ý tưởng mới đối với cầu Rồng và cầu Nguyễn Văn Trỗi trên sông Hàn.
Theo nhà sáng chế Phan Đình Phương, hệ thống phun lửa, phun nước của cầu Rồng hiện còn quá đơn điệu, dễ gây nhàm chán cho người xem (Ảnh: HC) |
Đầu rồng sẽ “quay đầu, chớp mắt, phun lửa, nước trên nền nhạc và ánh sáng”?
Là người được Đà Nẵng tin tưởng giao thực hiện hệ thống phun nước của cầu Rồng, ông Phan Đình Phương cho rằng, theo thiết kế hiện nay thì thân rồng rất đẹp nhưng đầu rồng có phần thấp và nhỏ, lại “không có răng, không râu tóc” và không cử động được. Các màn trình diễn phun lửa, phun nước vào các tối cuối tuần còn quá đơn điệu vì không có chủ đề, cả trăm đêm như một nên dễ gây nhàm chán cho người xem.
Đồng thời áp dụng công nghệ phun nước, lửa liên hợp bằng súng phun đa năng “5 trong 1” để phun thành hình vương miện trên đầu rồng; phun bong bóng bay ra khắp thân rồng, nhìn như rồng đang uốn lượn trong mây; phun hơi nước dọc cả thân rồng tạo cầu vồng 7 sắc nối hai bờ sông suốt cả ngày và đêm, không ảnh hưởng đến an toàn giao thông, không phải cấm cầu; tích hợp phun nước, lửa với chiếu sáng theo chủ đề âm nhạc của đêm diễn.
Ông nêu ý tưởng thiết kế lại đầu rồng nhẹ nhàng, sống động hơn |
với cụm vòi phun đa năng và pittong xoay đầu |
Ông Phương cũng cho biết đã chế tạo thành công nhiên liệu khi phun qua miệng rồng sẽ tự động biến thành quả cầu lửa hoặc luồng lửa dài trăm mét chói sáng bay lên trời cao 50 - 80m. Tuyệt đối không có khói, không rơi vãi dầu trên cầu, không bắn lửa vào người. Khi phun lửa không cần máy bơm, máy nén dầu cao áp, thùng thu hồi dầu, không tốn chỗ đặt máy trong miệng rồng, không phải thò ra thụt vào và không phải leo trèo nguy hiểm. Đảm bảo thực sự an toàn cả khi phun ở chế độ tự động, không có người thường trực.
Cùng với đó là thiết bị phun nước, lửa, chiếu sáng kết hợp nhạc nước, có thể phun cả nước, lửa và chiếu ánh sáng màu phụ họa theo đúng chủ đề âm nhạc. Chẳng hạn vào dịp tết, các ngày kỷ niệm lớn, các dịp lễ có tính chất cộng đồng như Noel, Valentine...có thể phát nhạc và phun nước lửa phụ họa trên nền âm nhạc này.
Theo tính toán của nhà sáng chế Phan Đình Phương, kinh phí phun cả nước lửa ban đêm chỉ vào khoảng 500.000 đồng/đêm. Phun nước tạo cầu vồng suốt thân Rồng khoảng 1.500.000đ/ngày đêm. Ông tuyên bố, nếu được tin tưởng giao thực hiện, ông sẽ bảo hành hệ thống này trong 5 năm và bảo trì suốt 30 năm để phục vụ TP.
Phun hơi nước dọc cả thân rồng tạo cầu vồng 7 sắc nối hai bờ sông suốt cả ngày và đêm |
Biến cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi thành công viên ngắm cảnh
Đối với cầu Nguyễn Văn Trỗi (hiện đã ngừng lưu thông để chuyển đổi thành cầu đi bộ sau khi đưa cầu Trần Thị Lý vào vận hành), nhà sáng chế Phan Đình Phương đề xuất biến thành một công viên có tầm nhìn tuyệt vời để thu hút du khách đến thưởng lãm, chụp hình “con rồng thép lớn nhất thế giới” (cầu Rồng) và “cánh buồm căng gió hướng ra Biển Đông” (cầu Trần Thị Lý).
Ông đưa ra hai phương án. Một là giữ nguyên tổng thể cầu Nguyễn Văn Trỗi từ kết cấu đến màu vàng đặc trưng để làm chứng tích lịch sử của Đà Nẵng qua hai cuộc kháng chiến. Các vị trí thừa của cầu được nâng sàn theo hình tròn để phù hợp với các kiến trúc của cầu, tạo thêm nét duyên dáng đặc biệt, có lan can bảo vệ an toàn. Tại các vị trí này bố trí quán cafe 2 tầng, có cầu thang xoắn để lên xuống.
Mặt cầu bố trí thành công viên đi dạo với cây xanh, hoa, ghế ngồi, mái che… phù hợp từng không gian tĩnh và động cho các đối tượng và hoạt động khác nhau. Nhịp giữa được kích nâng lên để tàu thuyền đi qua sẽ bố trí dàn phun nước tạo màn hình (hoạt động có thời gian nhất định vào buổi tối) nhằm giới thiệu về Đà Nẵng, lịch sử, sự kiện, quảng cáo… tạo được sự hấp dẫn và kích thích tò mò khi nhìn từ xa.
Phương án 1 đối với cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi |
Bố trí ánh sáng màu vàng theo kết cấu khung thép để thể hiện nguyên kiến trúc đặc trưng của cây cầu. Dưới sông gần 2 bờ, bố trí các đài phun nhạc nước kèm theo sự chuyển động của ánh sáng sẽ làm cho khung cảnh trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Dọc hai bên bờ sông bố trí ánh sáng hắt xuống mặt nước tạo thêm sự lung linh huyền ảo cho khung cảnh.
Phương án 2 tương tự như phương án 1 nhưng thiết kế thêm phần khung thép và kính tạo thành hình xoắn ôm lấy thân cầu như muốn giữ lại một chứng tích lịch sử của Đà Nẵng và thể hiện được sự phát triển liên tục của TP. Khu vực sàn nâng hình tròn bố trí quán cafe thiết kế thêm phần khung sắt hình vòm lợp alu nhằm tạo sự an toàn tuyệt đối và giúp du khách có thể ngắm cảnh ban ngày, ban đêm và cả khi trời mưa. Các khối hình cầu này cũng tạo thành thể thống nhất với cầu Nguyễn Văn Trỗi, nhìn từ xa vẫn không ảnh hưởng đến mỹ quan chung của cầu Trần Thị Lý vì các mái vòm không quá cao.
Kinh phí để thực hiện các phương án này, theo nhà sáng chế Phan Đình Phương, hoàn toàn có thể đến từ việc xã hội hóa các dịch vụ như cho thuê vị trí bán café, nước giải khát (có thể là một hệ thống thương hiệu Việt muốn phát triển về thương hiệu); tổ chức các sự kiện trên cầu như triển lãm các tác phẩm nghệ thuật, đường hoa xuân, thi nhảy cầu mạo hiểm..., mở dịch vụ xe điện, phà qua sông…để đưa khách về lại vị trí gửi xe ban đầu mà không cần phải đi bộ ngược trở lại với quãng đường dài...
và phương án 2 do nhà sáng chế Phan Đình Phương đề xuất |
Theo một cán bộ có trách nhiệm ở Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, sau khi xem xét, các ý tưởng đề xuất của nhà sáng chế Phan Đình Phương đều bị Sở Xây dựng Đà Nẵng bác bỏ. Tuy nhiên lãnh đạo TP vẫn muốn nắm rõ hơn nên đã xếp lịch để khoảng nửa tháng nữa, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn sẽ trực tiếp nghe ông Phan Đình Phương trình bày. Ông Phương cũng đã xác nhận với PV Infonet về việc này.
Cũng xin nói thêm, lãnh đạo Đà Nẵng từng lắng nghe ý kiến người dân để yêu cầu thiết kế cầu Rồng không “nhét” Bảo tàng điêu khắc Chăm vào dưới gầm cầu, bổ sung hạng mục phun nước bên cạnh hạng mục phun lửa cho phù hợp với nguyện vọng và tâm linh của người dân... Hy vọng các ý tưởng đề xuất mới của nhà sáng chế Phan Đình Phương cũng sẽ nhận được sự lắng nghe như vậy!
Nguồn : internet