baner-open-tour
open tour

Loay hoay giải pháp xúc tiến du lịch

“Nhiều khi chúng tôi cũng ngượng” là lời của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả tham gia các hoạt động Hội chợ Du lịch quốc tế”.
Bất cập thấy rõ nhưng vẫn phải chịu!
Ông Bình chia sẻ, bao nhiêu năm tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, cách quảng bá của mình quá cũ kỹ. Trong khi rất nhiều nước đã có sự thay đổi bằng những hình ảnh mới về điểm đến, sử dụng các sản phẩm trình chiếu đa phương tiện thì gian hàng của nước mình vẫn loanh quanh những hình ảnh biểu trưng cho mái đình, mái chùa, có khi mang cả lá cọ sang nước bạn, bày trong không gian rất nhỏ bé.
nguyen van tuan
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Du lịch 
 
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Du lịch chia sẻ, ngay các nước chung quanh như Campuchia, Thái-lan, Singapore đều làm chuyên nghiệp hơn ta rất nhiều. Nguyên nhân có rất nhiều, nhưng tựu trung lại là sự thiếu thốn về ngân sách và những bất cập trong quản lý. Mỗi năm, ngành du lịch được cấp khoảng 30 - 40 tỷ đồng để xúc tiến du lịch, từ nguồn đó tiếp tục chia nhỏ ra rất nhiều đầu việc, từ tham gia các hội chợ trong và ngoài nước, hội thảo, in ấn tài liệu, đầu tư truyền thông, kết nối các vùng miền… Trong khi các nước láng giềng chi rất mạnh tay cho hoạt động này, có khi tới hơn trăm triệu USD trong một năm (như Malaysia là 130 triệu USD/năm, Singapore là 100 triệu USD/năm).
 
Đại diện của đơn vị chủ quản công tác xúc tiến, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Thị trường Du lịch - Tổng cục Du lịch phân trần, đơn vị của ông luôn bị động về kế hoạch. Tại các hội chợ quốc tế, việc đăng ký gian hàng sớm sẽ có nhiều ưu đãi về giá, nhưng đó chỉ là mong muốn chứ chúng ta không làm được. Thường phải đến phút chót thì các đơn vị như Tổng cục Du lịch, Vietnam Airlines mới thỏa thuận xong. Việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia cũng rất khó, vì nó phụ thuộc thị trường đó có phải thế mạnh của công ty hay không. Thêm vào đó, trong khi ngành du lịch thiếu các văn phòng đại diện tại các thị trường trọng điểm thì tại một số thị trường mới nổi, chúng ta cũng chưa có cán bộ thành thạo ngôn ngữ tại nước đó, như tiếng Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc...
 
 
Muốn nhưng vẫn khó làm!
Việt Nam tham gia các triển lãm, hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài khoảng 20 năm trước, với việc Vietnam Airlines có mặt tại hội chợ du lịch ITB Berlin 1994, sau đó là IFTM TOP RESA ở Pháp, WTM ở Anh. Với các hội chợ du lịch ở châu Á, Vietnam Airlines cũng thường là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên tham gia các hội chợ du lịch thường niên. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đến với các hội chợ này muộn hơn và trong giai đoạn đầu còn thiếu sự phối hợp chung.
 
du lich
Tổ chức hội chợ du lịch thường niên
 
Thế nhưng, ngay cả khi Nhà nước, doanh nghiệp và ngành hàng không cùng bắt tay xây dựng gian hàng thì vẫn còn vô khối điều phát sinh. Ông Vũ Thế Bình cho rằng, cần phải rạch ròi trách nhiệm của từng bên: “Tổng cục Du lịch tham gia hội chợ quốc tế là để quảng bá hình ảnh quốc gia, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia để giới thiệu địa phương, còn hãng hàng không thì quảng bá dịch vụ. Vietnam Airlines không thể “cõng” nhiệm vụ quảng bá hình ảnh điểm đến, các địa phương không thể thay mặt đất nước để quảng bá hình ảnh đất nước”.
 
Ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu đưa ra giải pháp, để việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài đạt hiệu quả cao, cần nhanh chóng đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam qua các kênh truyền hình, báo chí có ảnh hưởng mạnh tầm đa quốc gia ở các thị trường du lịch tiềm năng; cải thiện chính sách visa du lịch; có chính sách hỗ trợ các hãng hàng không tham gia quảng bá chung cho du lịch Việt Nam, có kêu gọi gây quỹ cho xúc tiến du lịch… Nhưng lãnh đạo ngành du lịch lại đồng loạt kêu “khó” bởi nó ngoài tầm của ngành. Vậy nên, việc xúc tiến, quảng bá cứ tiếp tục loay hoay, còn ngành du lịch đang đối mặt khó khăn ngay trước mắt là lượng khách quốc tế liên tiếp sụt giảm trong chín tháng vừa qua.
(theo ngaynay.vn)