baner-open-tour
open tour

Nghi lễ cúng Cơm mới của người Êđê, Đắk Lắk

Lễ cúng Cơm mới của người Êđê ở Đắk Lắk mang đậm nét dấu ấn của tục “ăn năm, uống tháng”. Mọi người vui chơi, ca hát trong không khí mùa xuân núi rừng để rồi sau đó cùng nhau lên rẫy, lên nương chuẩn bị cho mùa gieo trồng mới.

Lễ cúng Cơm mới của người Êđê ở Đắk Lắk mang đậm nét dấu ấn của tục “ăn năm, uống tháng”. Mọi người vui chơi, ca hát trong không khí mùa xuân núi rừng để rồi sau đó cùng nhau lên rẫy, lên nương chuẩn bị cho mùa gieo trồng mới.

 

Các dân tộc bản địa Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, có một nền văn hóa nghi lễ - lễ hội vô cùng độc đáo. Nó đi suốt vòng đời của mỗi con người, từ lúc còn nằm trong bụng mẹ đến khi sinh ra, trưởng thành rồi trở về với thế giới tổ tiên ông bà như: Lễ cúng khi người mẹ mang thai, lễ cúng trước khi sinh, lễ cúng đặt tên thổi tai, lễ cúng đầy tháng, lễ cúng đầy một mùa rẫy, lễ cúng đầy ba mùa rẫy, lễ cúng đầy bảy mùa rẫy, lễ cúng tròn 15 mùa rẫy, lễ cúng trưởng thành (tròn 17 mùa rẫy), lễ hỏi chồng, lễ cưới chồng, lễ cúng sức khỏe cho đôi vợ chồng trẻ, lễ cúng sức khỏe hàng năm của mỗi gia đình,… trong đó phải kể đến nghi lễ cúng cơm mới.

Theo phong tục của người Êđê, sau khi thu hoạch lúa xong, đưa lúa về nhà, đổ đầy bồ, mọi gia đình đều làm lễ rước hồn lúa và cúng bồ lúa để cầu mong thần lúa giúp cho chủ nhà luôn được lúa đầy bồ. Tiếp đến mọi nhà đều làm lễ cúng Cơm mới.

Lễ cúng Cơm mới chia làm 2 phần cơ bản: Phần lễ “Lễ cúng thần” và phần hội “Ăn cơm mới”. Quy mô, thời gian của lễ hội tùy thuộc vào điều kiện, năng suất thu hoạch sau mùa vụ của từng gia đình, bà con trong buôn. Nét độc đáo là lễ Ăn Cơm mới được tổ chức theo từng hộ gia đình. Theo đó, gia đình nào được mùa, điều kiện khá giả thì lễ ăn cơm mới được tổ chức khá rình rang, kéo dài thâu đêm suốt sáng. Gia đình nào khi cúng cơm mới thì mời bà con trong buôn đến dự lễ, ăn uống, chung vui. Lễ Cúng Cơm mới ở buôn có đông người thì kéo dài cả tháng, buôn có ít hộ hơn thì kéo dài 2-3 tuần.

Thông thường, khi đến gần ngày cúng cơm mới, không khí chuẩn bị rộn ràng đầu buôn đến cuối buôn. Quãng thời gian này, tại các buôn làng người đồng bào Ê-đê tiếng chày giã gạo dập dìu từ khi ông mặt trời mọc cho đến khi khuất sau núi. Trong quá trình chuẩn bị cho lễ hội, mọi phần việc hầu như được người đàn ông quán xuyến. Từ công việc chuẩn bị rượu cần, mổ heo, giết gà cho đến gánh nước, vào rừng chặt củi, mời khách. Người phụ nữ thường được “ưu ái” hơn, chỉ tập trung cho việc sửa soạn váy áo hoa rực rỡ chuẩn bị cho lễ hội. Đám trẻ trong buôn thì háo hức chờ đợi, tung tăng vui chơi.

Lễ vật khi Cúng Cơm mới thông thường gồm: thịt heo; rượu cần; cơm mới; bầu nước lã; ông điếu; bếp đựng than; các nông cụ (1 cây cuốc, 1 cây rựa, 1 cây rìu)… Sau khi lễ vật được bày biện xong, gia chủ sẽ mời thầy cúng giàu kinh nghiệm, được mọi người kính nể tiến hành làm lễ cúng cho Yàng (thần). Trong bộ lễ phục chỉnh tề, thầy cúng đại diện cho gia chủ đọc lời khấn bày tỏ sự cảm ơn đối với các thần đã cho một mùa vụ no đủ, sung túc, cầu Yàng cho mùa vụ năm tới thóc lúa, ngô bắp lại chất đầy kho, đầy nhà, cuộc sống tươm tất, ấm no hơn.

Ngay khi kết thúc lời khấn, thầy cúng đi vẫy rượu ở bếp lửa, dàn chiêng, cầu thang, kho lúa để chúc phúc. Khi phần nghi lễ khép lại cũng là lúc bắt đầu cuộc vui rộn ràng, thâu đêm suốt sáng. Nữ gia chủ được mời hút cần rượu đầu tiên, sau đó đến những người nữ lớn tuổi nhất, tiếp theo là các bậc cao niên, người bà con lớn tuổi trong dòng họ trước, người trong buôn làng sau. Mọi người trong buôn sẽ tề tựu ăn uống no say, thoải mái cho đến khi ai không muốn vui chơi nữa mới nghỉ.

Khi lễ hội đi vào thời khắc đêm khuya, một số người sẽ đánh chiêng biểu diễn cho mọi người nghe. Tiếng hát Aray cũng được vang lên dập dìu, trầm bổng. Khi đêm xuống, một nghệ nhân hoặc già làng trong buôn kể khan bên bếp lửa bập bùng. Giọng kể lúc trầm lúc bổng, lúc mạnh mẽ như con thác, lúc hiền hòa như dòng sông. Cuộc vui cứ thế kéo dài cho đến sáng hôm sau.

Lễ cúng cơm mới sẽ tổ chức theo từng nhà. Bà con trong buôn ăn hết nhà này rồi đến nhà kia, có lúc trong buôn một ngày 3-4 nhà cùng ăn cơm mới vì những gia đình này có cùng giống lúa. Nếu gia chủ khá giả thì ăn cơm mới to lắm, kéo dài thâu đêm suốt sáng, thiết đãi mọi người cho đến khi say nghiêng ngả thì thôi.