Tri ân sự hy sinh to lớn của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, năm 2004, Đài Tiếng nói Việt Nam và tỉnh Quảng Nam phát động cuộc vận động xây dựng Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu Mẹ Nguyễn Thị Thứ, quê ở xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có 11 người con và cháu là liệt sĩ.
Tượng đài Mẹ Thứ
Từ ý tưởng: "Mẹ là suối nguồn bao la vô tận, là linh hồn đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, rồi sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hoá thân vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời, vẫn tiếp thêm nguồn sức mạnh cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", tác giả Đinh Gia Thắng đã thể hiện hình tượng Mẹ VNAH trong toàn khối tượng đài có chiều cao 18,6m, chiều rộng theo đường cong là 120m, bề dày khối tượng chỗ lớn nhất hơn 24m với chất liệu bằng đá hoa cương
Bên trong khối tượng là Bảo tàng Mẹ VNAH, giới thiệu hình ảnh, cuộc đời và sự cống hiến của các Mẹ đối với dân tộc.
Khối tượng đài chính gắn kết với một hồ nước lớn, rộng khoảng 1.000m2
Không gian kiến trúc và cảnh quan tượng đài Mẹ VNAH nổi bật giá trị nghệ thuật về tâm linh, là nơi để tưởng nhớ và cảm nhận các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Trước quảng trường tiền môn là 8 trụ biểu khắc chạm các hình ảnh các bà mẹ ở 3 miền Bắc Trung Nam, những cô gái thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn
Từ ý tưởng ban đầu của Đài TNVN, Tượng đài Mẹ VNAH trở thành một công trình mang tầm vóc quốc gia, giàu ý nghĩa lịch sử, văn hoá, nghệ thuật.
Tượng đài Mẹ VNAH được xây dựng tại Núi Cấm, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam là tấm lòng, tình cảm và sự tri ân sâu sắc đối với Mẹ VNAH của người dân cả nước.
Tối nay (24/3), tại đây sẽ diễn ra lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng tỉnh Quảng Nam và khánh thành Tượng đài Mẹ VNAH.
Cùng với đó là chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng sự kiện này. Trong ảnh là buổi tổng duyệt các tiết mục trong chương trình này.