baner-open-tour
open tour

Văn Thánh Khổng Miếu

Lượt xem: 1
Văn hội Nho học huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam xưa xây dựng nơi thờ các bậc thánh hiền của đạo Nho và các bậc tiên Nho đất Việt tại làng Chiên Đàn, lỵ sở của huyện Hà Đông thời Nguyễn. Như mọi cơ sở thờ tự đạo Nho khác ở cấp huyện, theo quy định của bộ Lễ triều Nguyễn, nơi này có tên “Văn thánh huyện Hà Đông” thường gọi là “Văn thánh Chiên Đàn” gồm hai cơ sở liền kề là nhà Từ vũ và nhà Hội đường.

 

Từ Văn Thánh đến Khổng Miếu

 

Cây cổ thụ ở Văn thánh - Khổng miếu Tam Kỳ tượng trưng cho nơi dạy học của nhà Nho ở Tam Kỳ.

 

Văn thánh Chiên Đàn

Nội dung tấm bia “Vọng bái Tiên thánh từ vũ” lập năm Minh Mạng thứ 21 (1840) từng đặt ở Văn thánh huyện Hà Đông cho biết: ban đầu các văn thân, hương hào, sĩ nhân trong huyện xây dựng nhà Từ vũ để làm nơi thờ tự. Về sau, vào năm Tự Đức thứ 3 (1850) Văn hội Nho học huyện Hà Đông lại xây thêm một Hội đường ở phía bên tả nhà Từ vũ để làm nơi sinh hoạt của Văn hội, như hội họp để chuẩn bị tế tự, tập trung các học sinh trường Huấn vào các ngày quy định trong tháng để nghe giảng văn, bình văn.

 

Khổng miếu Tam Kỳ

Từ sau khi thành lập tỉnh Quảng Tín (1960), Tỉnh hội Việt Nam Cổ học Quảng Tín tìm cách xây dựng lại Văn thánh Chiên Đàn nhưng nơi đây qua bao biến cố chiến tranh đã bị hư hại không thể nào trùng tu được; mọi hoạt động hội họp, thờ tự tại Văn thánh trước kia nay phải mượn tạm đình làng Chiên Đàn làm trụ sở. Vì thế, phân hội cổ học này đã vận động đóng góp từ nhiều nơi, dự định xây dựng một khu mới với quy chế thờ tự như ở Văn thánh Chiên Đàn cũ; nhưng ở một nơi thuận tiện hơn. Đến đầu năm 1963, khi có lệnh của chính quyền ở Sài Gòn cho tỉnh Quảng Tín được xây một Văn miếu, Tỉnh hội Việt Nam Cổ học Quảng Tín được giao nhiệm vụ thành lập một ban có tên là “Ban Kiến thiết Khổng miếu” theo đúng cách gọi tên của Ban Kiến thiết Khổng miếu tỉnh Quảng Nam ở Hội An (khi chưa chia thành hai tỉnh). Có lẽ do lý do này, tên gọi “Khổng miếu Tam Kỳ” được hình thành từ tên gọi “Khổng miếu Hội An”; vừa thống nhất trong cách gọi tên lại vừa dễ phân biệt địa phương.

 

Văn Thánh-Khổng Miếu tọa lạc khu đất có diện tích 6200 m2 nằm bên cạnh đường Phan Bội Châu, thuộc khối phố Mỹ Thạch Bắc, phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ. Khu di tích Văn Thánh- Khổng Miếu với quần thể di tích bao gồm chánh điện, hậu điện, tháp chuông, tháp trống, hai dãy nhà cầu, nhà cổ dân gian Quảng Nam, cầu bắc qua hồ sen và cổng Tam quan. Đây là nơi thờ đức Khổng Tử và tổ chức huấn học về tư tưởng Nho giáo, với quần thể lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật độc đáo, hội tụ nét truyền thống văn hóa dân gian, dân tộc có niên đại hơn 300 năm.

 

Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị di tích lịch sử. Ngày nay, hàng ngày các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên thường vào Văn Thánh-Khổng Miếu dâng hương, tham quan, vãng cảnh. Đặc biệt, vào dịp lễ hội tháng Giêng hàng năm thường diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, tôn vinh truyền thống hiếu học xứ Hà Đông, khuyến khích sự học. Đây là nơi vào dịp tháng 7 (âm lịch) hàng năm tổ chức phát thưởng giải thưởng Phan Chu Trinh, giải thưởng tôn vinh khuyến học, khuyến tài, giải thưởng cao nhất của thành phố Tam Kỳ về khuyến học, tổ chức các hoạt động như tổ chức đêm thơ Tết Nguyên Tiêu, hô hát bài chòi, các trò chơi dân gian giải trí.

 

Lễ hội đêm thơ Tết Nguyên tiêu tại Văn Thánh- Khổng Miếu       Lễ hội đêm thơ Tết Nguyên tiêu tại Văn Thánh- Khổng Miếu

Lễ hội đêm thơ Tết Nguyên tiêu tại Văn Thánh- Khổng Miếu

 

                                      

Hô hát Bài chòi, Hội thi múa Lân Sư Rồng tại Văn Thánh-Khổng Miếu.

 

Văn Thánh-Khổng Miếu là quần thể di tích kiến trúc lịch sử văn hóa nghệ thuật, hội tụ nét truyền thống văn hóa dân gian, dân tộc vùng đất xứ Quảng. Đến với Văn Thánh-Khổng Miếu ta có thể chiêm ngưỡng những nét đẹp tinh tế qua những nét điêu khắc chạm trỗ tinh xảo trên các cấu kiện gỗ, kiến trúc mỹ thuật họa tiết xây dựng tượng hình mô tả độc đáo trang trí ở cổng ngõ, tháp chuông, tháp trống, chính điện, hậu điện…từ đó cho thấy được nét tài hoa của nền văn hóa phát triển của những nghệ nhân địa phương xưa. Đây là một điểm đến hấp dẫn đối với khách tham quan, cũng như những nhà nghiên cứu lịch sử, kiến trúc có dịp đến với thành phố Tam Kỳ.